Thực trạng về quản lý và xử lý chất thải rắn (rác)

Thứ sáu - 15/08/2014 00:00 85 0
Ngày nay các hoạt động sản xuất phục vụ cuộc sống con người đang diễn ra mạnh mẽ. Con người đã khai thác và tác động rất nhiều đến môi trường tự nhiên. Các nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt và suy thoái mạnh. Vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường đang trở lên bức xúc ở nhiều nơi.

 

 

Ảnh minh họa (sưu tầm)

Việt Nam là một nước có tốc độ phát triển kinh tế cao. Quá trình công nghiệp hoá hiện đang diễn ra rất khẩn trương, bộ mặt xã hội đã có nhiều tiến triển tích cực. Tuy nhiên cùng với sự phát triển ấy thì tình trạng xuống cấp của môi trường đang ngày càng trầm trọng. Rác thải đang là một trong những vấn đề môi trường bức xúc ở Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 15 triệu tấn rác thải phát sinh trong cả nước và theo dự báo thì số lượng rác thải sẽ tăng cao trong thập kỷ tới đây. So với các nước khác trên thế giới thì lượng rác thải Việt Nam không lớn, nhưng điều đáng quan tâm ở đây là tình trạng thu gom thấp và không phân loại trước khi mang rác thải ra ngoài môi trường.

Chất thải rắn là toàn bộ các loại tạp chất được loại bỏ trong các hoạt động kinh tế xã hội. Trong đó quan trọng nhất là chất thải phát sinh từ các

hoạt động sản xuất và hoạt động sống. Chất thải rắn sinh hoạt được sinh ra từ hoạt động hàng ngày của con người, sinh ra mọi lúc mọi nơi trong phạm vi thành phố và khu dân cư, từ các khu thương mại và các cơ quan công sở, chợ các tụ điểm buôn bán, nhà hàng khách sạn, công viên, khu vui chơi giải trí, trường học và các viện nghiên cứu..Chất thải rắn sinh hoạt có thành phần rất đa dạng gồm nhiều chất và vật liệu khác nhau. Một số thành phần có khả năng tồn tại lâu trong môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm. Chất thải rắn sinh hoạt là nơi chứa đựng các loại mầm mống bệnh tật có khả năng lây lan cao, bên cạnh đó chúng còn làm mất cảnh quan đô thị.

Thời gian qua, công tác quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn đã có nhiều tiến bộ. Một số địa phương đã thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn góp phần tạo môi trường cảnh quan văn minh, sạch đẹp; đã quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn. Việc xã hội hoá công tác xử lý chất thải rắn đã được triển khai thực hiện ở một số nơi, tạo môi trường cho các doanh nghiệp có điều kiện tham gia. Mặc dù vậy, công tác quản lý chất thải rắn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội do công tác lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn còn chậm, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn, lúng túng; vệ sinh môi trường nhiều đô thị chưa bảo đảm; rác thải đổ bừa bãi, nhất là khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom thấp.

Hiện nay, tình trạng xử lý chất thải rắn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra gần 2 ngàn tấn chất thải rắn cần tái chế. Song năng lực tiêu hủy rác bằng công nghệ đốt và hóa rắn của thành phố này mỗi ngày chỉ đạt khoảng 10%. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn được thu gom tại các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 70% so với yêu cầu thực tế. Lượng chất thải này đang trở thành nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, cảnh quan đô thị và tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng.

Tại Tây Ninh, theo Đồ án quy họach chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2406/QĐ-UBND ngày 21/11/2013, đã đánh giá và dự báo đến 2015, khối lượng chất thải rắn sinh họat phát sinh là 853,48 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp phát sinh là 550 tấn/ngày. Tỉnh đã quy họach 04 khu xử lý chất thải rắn gốm: KLHXL Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, quy mô 17,8 ha công suất xử lý  500-600 tấn/ngày; KXL Tân Hưng, huyện Tân Châu, quy mô 20,0 ha công suất xử lý 400-500 tấn/ngày; KXL Long Chữ, huyện Bến Cầu, quy mô 20,0 ha công suất xử lý 300-400 tấn/ngày; KXL Thạnh Tây, huyện Tân Biên, quy mô 10,0 ha công suất xử lý 200-300 tấn/ngày. Hiện nay KLHXL Thạnh Đức, huyện Gò Dầu và KXL Tân Hưng, huyện Tân Châu đã được xây dựng và đưa vào họat động.

Theo báo cáo số 137/SXD-HTKT ngày 13/02/2014 của Sở Xây dựng về việc theo dõi, giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế họach về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững năm 2013 của tỉnh Tây Ninh thì tỉ lệ thu gom chất thải rắn là 90% và tỉ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý hợp vệ sinh là 90% .

 Về chất thải rắn nguy hại: trên địa bàn tỉnh có 02 Công ty được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Hiện nay đa số các chủ nguồn chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh đều đã đăng ký chủ nguồn thải và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý đạt 80% tổng số chất thải nguy hại phát sinh.

 Chất thải rắn y tế: Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 bệnh viện và trung tâm y tế công lập (cơ sở), 02 bệnh viện tư nhân.  Theo Đồ án quy họach chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã đánh giá và dự báo đến 2015, khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh là 6,33 tấn/ngày.Việc thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn y tế của 02 cơ sở y tế tư nhân cơ bản đạt quy định còn 16 cơ sở y tế công lập thì có 10/16 cơ sở lắp đặt lò đốt rác y tế thủ công không có hệ thống xử lý khí thải, 06 cơ sở tuy có lắp đặt lò đốt rác theo quy định nhưng hiệu quả xử lý còn nhiều hạn chế. Để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải y tế, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1150/QĐ-UBND ngày 18/8/2013 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế của 09 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đọan 2013-2015.

Để bảo đảm việc quản lý chất thải rắn hiệu quả và triển khai thực hiện Chương trình xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020 đạt mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh  vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương cần tập trung thực hiện kiểm tra các hoạt động phân loại, tái sử dụng, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải y tế nguy hại. Các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân các quy định của Pháp luật về quản lý chất thải nguy hại, trong đó có chất thải y tế góp phần bảo vệ môi trường. 

                                                                                   Kim Hà

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây