Hội thảo có sự tham dự của đại diện các ngành VHTT&DL, truyền thông, các doanh nghiệp, Ban quản lý các khu du lịch, lãnh đạo thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành...
Ông Đỗ Đình Cương, chuyên gia đào tạo về du lịch - Hãng tư vấn quốc tế (AMDI) trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Đỗ Đình Cương, chuyên gia đào tạo về du lịch- Hãng tư vấn quốc tế (AMDI) trình bày tham luận Tổng quan về quản lý điểm đến và tổ chức quản lý điểm đến (DMO).
Trong tham luận của mình, ông Cương chỉ ra rằng, công tác quản lý điểm đến là sự cần thiết cho sự phát triển của du lịch tại khu vực, và chính quyền địa phương phải đứng ra đảm nhiệm vai trò này. Điểm đến không an toàn và kém hấp dẫn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch dù có tiềm năng và điều kiện phát triển.
Ông Cương cũng chỉ ra mô hình cơ quan quản lý điểm đến cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp, người dân tại địa phương điểm đến.
Mô hình cơ quan quản lý điểm đến có các chức năng như tạo không gian đối thoại và môi trường hợp tác giữa các đối tác liên quan đến du lịch; xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển điểm đến về hạ tầng, bảo tồn, đầu tư...; đào tạo nguồn nhân lực; marketing điểm đến (nghiên cứu thị trường, quảng bá...); cung cấp thông tin cho khách du lịch; thu thập, thống kê, kiểm tra và đánh giá.
Bên cạnh đó, hội thảo còn trình bày các tham luận về sự cần thiết phải thành lập DMO; vai trò của nhà nước và doanh nghiệp trong công tác tổ chức quản lý điểm đến du lịch. Qua các tham luận đã chỉ ra những tiềm năng, lợi thế của du lịch Tây Ninh, cơ sở hạ tầng du lịch hiện có và những khó khăn, tồn tại trong phát triển du lịch thời gian qua.
Các đại biểu cũng cho ý kiến đóng góp về 2 dự thảo quyết định thành lập tổ chức quản lý điểm đến DMO tỉnh Tây Ninh và khu vực núi Bà Đen.
Du khách trên đường chinh phục Núi Bà Đen- Ảnh minh hoạ. |
Hiện mô hình DMO đã có mặt tại Việt Nam nhưng chỉ ở cấp vùng, chưa có cấp địa phương. Đến nay, mô hình đã được thành lập tại 8 tỉnh Tây Bắc, 3 tỉnh miền Trung và 2 tỉnh miền Tây Nam bộ với sự hỗ trợ của dự án EU trong giai đoạn 2012-2016.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ.
Dự án bắt đầu từ năm 2014 sẽ kết thúc vào năm 2019, được thực hiện tại 5 tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh, Tây Ninh và Kiên Giang. Dự án được mong đợi sẽ phát triển hoạt động du lịch bền vững, giảm đói nghèo, gia tăng và phân bố công bằng hơn các lợi ích kinh tế tại Việt Nam.
Tại Tây Ninh, khi triển khai Ban thực hiện dự án đã có các động phối hợp đào tạo về ngoại ngữ cho cán bộ cơ quan quản lý điểm đến; đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ khách sạn trong lĩnh vực du lịch; kỹ năng cho cán bộ quản lý tổ chức điểm đến, cán bộ quản lý và phát triển điểm đến, in ấn phẩm quảng bá du lịch Tây Ninh, hỗ trợ Hội VHNT tỉnh tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Tây Ninh đến hết tháng 12.2017.
Theo Báo Tây Ninh Online