Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh: Tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân tại Dự án Phước Đông - Bời Lời

Thứ hai - 06/04/2015 12:00 58 0
Tại buổi tiếp xúc, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, quá trình thực hiện dự án có điểm sai sót, nhưng hiện nay đã sửa sai; công tác bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho những hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi đúng theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

phuoc dong.JPG

Một hộ dân có đất bị thu hồi nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Ngày 2.4.2015, Thanh tra Chính phủ, Ban tiếp công dân Trung ương và UBND tỉnh tiếp tục tổ chức buổi tiếp xúc, gặp gỡ với các hộ dân có đất trong Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (gọi tắt là Dự án Phước Đông - Bời Lời) để lắng nghe ý kiến của người dân về một số vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất.

Tham gia buổi gặp mặt, về phía Trung ương có ông Nguyễn Chiến Bình- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Võ Văn Đồng- Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Diệp- Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương. Về phía tỉnh, có bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, ông Nguyễn Chiến Bình cho biết, trước đây khi thực hiện dự án, nhiều hộ dân khiếu nại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã hai lần vào Tây Ninh để lắng nghe ý kiến thắc mắc, khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, tại hai buổi tiếp xúc này, rất ít người dân đến dự.

Ông Bình mong muốn bà con dự buổi gặp mặt trình bày rõ những vấn đề mà người dân còn chưa đồng tình hay thắc mắc trong quá trình địa phương thực hiện dự án, nhất là việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, để những người có trách nhiệm ở địa phương, Thanh tra Chính phủ xem xét, giải thích, trả lời.

Báo cáo quá trình xem xét giải quyết khiếu nại của người dân khi thực hiện dự án, Chánh Thanh tra Lê Ngọc Rửa tóm tắt những căn cứ pháp lý cũng như những văn bản liên quan quá trình triển khai thực hiện dự án; đồng thời cho biết, tháng 8.2009, do các hộ có đất bị thu hồi trong Dự án Phước Đông - Bời Lời có nhu cầu nhận tiền sớm, nên Hội đồng bồi thường (HĐBT) huyện Gò Dầu đã chi tiền cho các hộ. Sau đó, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án và dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Khi thực hiện dự án, HĐBT áp giá bồi thường đối với một số hộ dân chưa đúng về vị trí đất với thực tế (thực tế vị trí đất 4,5 nhưng ghi là vị trí 2,3…). Quá trình thực hiện dự án, các hộ dân khiếu nại cho rằng, việc bồi thường thu hồi đất không đúng Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 69). Sau khi báo cáo và nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã thực hiện việc rà soát lại phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước đây và yêu cầu phải thực hiện đúng Nghị định 69.

Sau đó, HĐBT xác định lại đúng vị trí đất và thực tế của từng hộ, thực hiện hỗ trợ 1.618 hộ với số tiền trên 223 tỷ đồng. (Đến nay, chỉ có 7 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ theo Nghị định 69). Chánh Thanh tra Lê Ngọc Rửa khẳng định, Dự án Phước Đông - Bời Lời được triển khai, thực hiện đúng quy định pháp luật, việc xác định lại vị trí đất do trước đây ghi sai, vẫn bảo đảm quyền lợi người dân, đúng Nghị định 69 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

So với những lần tiếp xúc trước (17 người tham dự), lần này số người tham dự đông hơn (51 người). Tuy nhiên, cũng như lần tiếp xúc trước, những ý kiến phát biểu của các hộ dân vẫn chưa tập trung phản ánh rõ, cụ thể những thắc mắc, khiếu nại của mình, nhưng lại có ý kiến về một số trường hợp vi phạm pháp luật về an ninh trật tự liên quan đến quá trình khiếu nại. Thậm chí còn có ý kiến thắc mắc tại sao truyền hình đưa tin buổi tiếp xúc nhưng chỉ thấy hình mà không thấy phát ý kiến của họ…

Chỉ có một số ý kiến thắc mắc rằng, đất của họ là đất sản xuất 3 vụ, nhưng áp giá đền bù vị trí đất chưa phù hợp, lúc thì ghi vị trí 2, lúc ghi vị trí 5. Có ý kiến góp ý Nhà nước thu hồi đất làm dự án nhưng hiện nay có khu còn bỏ hoang lãng phí.

Có ý kiến cho rằng việc thu hồi đất Nhà nước không áp dụng bồi thường đất theo Nghị định số 69, vì việc thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp mức hỗ trợ 1,5 lần theo giá đất nông nghiệp mà không áp mức cao nhất…

Hầu hết những nội dung mà người dân nêu tại buổi tiếp xúc này, trong những lần tiếp xúc trước đã được những người có trách nhiệm của Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Gò Dầu giải thích rõ. Vì vậy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình phải yêu cầu các ngành tiếp tục giải thích lại.

Các ngành tiếp tục nêu rõ, giai đoạn đầu khi thực hiện dự án, HĐBT áp dụng Nghị định 84, nhưng sau đó có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Gò Dầu, Trảng Bàng thực hiện áp dụng bồi thường, hỗ trợ tái định cư đều thực hiện theo Nghị định 69, áp dụng bồi thường đất theo giá thị trường.

Những hộ trước đây áp sai vị trí đất, sau này cũng được điều chỉnh lại phù hợp đúng vị trí thực tế, áp giá bồi thường đúng Nghị định 69, không làm ảnh hưởng quyền lợi người dân.

Việc áp dụng thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của Nghị định 69, chính quyền địa phương áp dụng mức giá địa phương là hỗ trợ 1,5 lần theo giá đất nông nghiệp, là phù hợp tình hình thực tế kinh tế - xã hội địa phương, được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Diệp, Cục Trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ Võ Văn Đồng ghi nhận những bức xúc của người dân, nhưng các ông cũng nhấn mạnh, công dân thực hiện quyền tố cáo, khiếu nại cần đúng quy định pháp luật; đồng thời một lần nữa giải thích rõ khi thực hiện Dự án Phước Đông – Bời Lời thì Nghị định 69 chưa ra đời, nên địa phương áp dụng Nghị định 84 triển khai thực hiện giao tiền bồi thường trước cho dân.

Khi Nghị định 69 có hiệu lực pháp luật, người dân phản ánh, địa phương đã có báo cáo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương có đất bị thu hồi trong dự án thực hiện bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm đúng Nghị định 69.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh, khi chưa được bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện vai trò đại biểu HĐND, bà đã tiếp xúc và ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân có đất bị thu hồi về việc địa phương áp giá bồi thường không theo Nghị định 69.

Vì vậy, khi được bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh, bà đã quan tâm xem xét và có báo cáo về TW. Vì vậy, khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương thực hiện bồi thường đất, hỗ trợ đúng Nghị định 69. Khi sửa sai, tỉnh đã phải chi thêm trên 223 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giải thích rõ việc địa phương áp dụng mức giá hỗ trợ 1,5 lần theo giá đất nông nghiệp trên cơ sở được HĐND tỉnh thông qua, hoàn toàn đúng quy định Nghị định 69. Chủ tịch cũng thừa nhận do sơ suất, các cán bộ chuyên môn đã ghi sai vị trí đất, nhưng sau đó đã điều chỉnh, sửa sai (đúng Nghị định 69). Việc phê duyệt dự án chậm cũng là thiếu sót của tỉnh, lúc này Nghị định 69 đã có hiệu lực pháp luật.

Quá trình xem xét lại dự án, UBND tỉnh cũng đã gửi toàn bộ hồ sơ cho Bộ Tài chính kiểm tra. Chủ tịch UBND tỉnh bộc bạch: "Những gì làm sai, chúng tôi nhận và sửa sai để giữa người dân và cơ quan Nhà nước gần nhau, tạo sự đồng thuận khi thực hiện dự án".

Tuy nhiên, việc người dân khi thực hiện quyền khiếu nại có những hành vi chưa đúng, gây ảnh hưởng đến cá nhân, chính quyền địa phương là không nên, vì chính quyền địa phương đã lắng nghe, thực hiện đúng Nghị định 69, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Về việc tái định cư chậm, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kiểm tra và đề nghị nhà đầu tư triển khai nhanh, lập quỹ hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi, để hỗ trợ phần nào đời sống khó khăn người dân.

Kết luận buổi tiếp xúc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình nhấn mạnh, hiện nay dự án đang triển khai tốt, tuy nhiên quá trình lập và triển khai thực hiện dự án, địa phương còn sai sót và hạn chế.

Cụ thể như khi áp dụng Nghị định 69, không huỷ các văn bản trước đây thực hiện theo Nghị định 84 mà lại nhập chung vào; chưa làm tốt việc công khai, giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu về dự án và cách khắc phục của địa phương nên dẫn đến việc người dân bức xúc. Khi người dân khiếu nại, việc giải quyết khiếu nại của địa phương chưa đạt hiệu quả…

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới tỉnh cần rút kinh nghiệm, giải thích, tuyên truyền làm rõ quá trình thực hiện dự án địa phương đã áp dụng Nghị định 84, Nghị định 69 cụ thể như thế nào để người dân hiểu, đồng thuận.

Ông Nguyễn Chiến Bình cũng lưu ý về vấn đề tái định cư, cần chú ý xem xét người dân có đất thu hồi trong dự án có việc làm chưa để tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định; đồng thời nhắc nhở người dân cần thực hiện đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tránh làm ảnh hưởng hình ảnh đất nước.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây