Tiến tới giải thưởng Xuân Hồng lần thứ I-2012: Soạn giả Xuân Phát – người gắn bó với cải lương Tây Ninh thời kháng chiến

Thứ sáu - 21/12/2012 00:00 138 0
Có lẽ những người làm ngành Văn hoá bây giờ, chỉ còn vài người biết và nhớ tới cái tên Đào Văn Thanh hay Xuân Phát, gọi theo kiểu Nam bộ là Bảy Phát – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin (nay là Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch). Ông nổi tiếng là người khó tính “hét ra lửa”, khi còn đương nhiệm, nét mặt bao giờ cũng “hình sự”.

 

Soạn giả Xuân Phát

 

Có khá nhiều giai thoại về cái sự khó tính của ông mà những người từng làm trong ngành Văn hoá thường mang ra kể lúc “trà dư, tửu hậu”. Thế nhưng, có sống gần mới hiểu ông là người khá vui nhộn và hài hước. Tính cách này phần nào đã được “truyền lại’ cho người con trai Đào Duy Phước, hiện là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cũng nổi tiếng “tiếu lâm” và có giọng ca cổ mùi như Thanh Sang, Thanh Tuấn.

Lúc mới sinh ở Tà Săng, vùng giải phóng Tân Biên, các bậc trưởng thượng như ông Bảy Phát đã đặt tên cho tôi là Hẹ. Và cũng từ đó cho đến ngày về nơi “cõi nhớ”, gặp ở đâu, câu đầu tiên bao giờ cũng là” “Sao rồi Hai Hẹ…?”. Dù sống chung khá lâu trong khu tập thể Sở Văn hoá (giờ là trụ sở Thanh tra tỉnh), tôi cũng chỉ biết ông là soạn giả, chưa từng nghe ông ca một câu vọng cổ. Chỉ một lần nghe bà Ba – tạp dịch của Sở kể rằng, thời trẻ ông đóng cải lương, toàn thủ vai quan vì tướng tá cao ráo, đi đứng khá sang. Mãi sau này, khi ông đã nghỉ hưu, tôi mới có dịp ngồi nghe ông kể về đời mình suốt một ngày trời.

"Đi kháng chiến, ai cũng nghĩ mình sẽ được cầm súng giết giặc. Khi được phân công làm "văn công", phục vụ đồng bào, chiến sĩ, dù không trực tiếp chiến đấu nhưng cũng là làm cách mạng. Tất cả đều cùng chung một mục đích là đi đến ngày chiến thắng" – ông Bảy Phát đã mở đầu cuộc trò chuyện với tôi như thế. Sau Hiệp định Genève năm 1954, chế độ nguỵ quyền Sài Gòn công khai ý định không thực hiện những điều khoản hiệp định, đặc biệt là việc hiệp thương tổng tuyển cử, khủng bố những người kháng chiến cũ, thẳng tay đàn áp phong trào Cách mạng. Ở Nam Bộ, cải lương là một loại hình nghệ thuật đặc thù. Trong những năm đầu chống Mỹ, không ít cán bộ kháng chiến cũ rút vào hoạt động bí mật trong các đoàn cải lương, rong ruổi trên những chiếc xe ngựa, xe bò, tắc-xông qua mọi nẽo đường quê, thôn xóm… Cuối năm 1954, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo cho các cán bộ văn nghệ kháng chiến như ông Bảy Phát, ông Ba Đa (Dương Văn Đa, sau giải phóng là Trưởng đoàn Cải lương Thanh Bình, sau đổi lại thành Tây Ninh 2) và ông Sáu Hợi thành lập một đoàn cải lương hoạt động công khai, với hơn 40 anh chị em nghệ sĩ, chủ yếu là những người kháng chiến cũ. Tỉnh uỷ xuất tiền chi 2.000 đồng làm kinh phí thành lập đoàn. Đoàn đóng tại Hảo Đước (Châu Thành) tập múa, tập hát, tập vở "Trần Hưng Đạo bình Nguyên" của ông Trần Bạch Đằng (viết thời kháng Pháp) và vở "Cánh tay Dương Tá" của ông Xuân Phát và ông Sáu Hợi. Sau đoàn chuyển điểm đóng quân sang bến Tầm Long, rồi về ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền (huyện Châu Thành). Ở đây, đoàn được 3 người dân, gia đình tương đối khá giả nhận đỡ đầu. Ông Ba Râu, làm nghề thợ cưa cho cây, ván đóng cảnh. Ông Mười Phát (Nguyễn Tấn Phát) có biết vẽ chút đỉnh thì nhận trang trí. Ăn ở thì ông Hai Thinh bao hết. Lúc tập tuồng, "đào" áo sống bình thường, "kép" thì đa số ở trần, mặc quần đùi, vậy mà đêm nào người dân trong mấy xóm ấp ở Thanh Điền, tận dưới Thái Hiệp Thạnh (Thị xã bây giờ) cũng kéo nhau đến xem đông nghịt. Đến nỗi mấy đoàn hát về rạp Cassie (Bây giờ là Nhà Văn hoá Thị xã), được một hai bữa là ế dài dài, có đoàn không đủ tiền trả cho chủ rạp, đành phải bỏ lại toàn bộ cảnh trí, đạo cụ, phục trang… dông mất. Chủ rạp chở ra Thanh Điền tặng luôn cho đoàn Thanh Bình.

Ông Xuân Phát tại Hội nghị bảo tồn bảo tàng tỉnh Tây Ninh lần thứ nhất - 1983

 

Ông Bảy Phát nhớ lại: "Khi đoàn hát chuẩn bị khai trương, bà con ấp Thanh Thuận xúm nhau lại, mỗi người một tay dựng một cái rạp, trét vách đất. Đêm diễn chính thức, khán giả xem chật rạp, mặc dù khá nhiều người đã xem chúng tôi tập tuồng hơn một tháng trời. Không chỉ là cải lương, đoàn còn có chương trình ca múa nhạc, chủ yếu là những bài kháng chiến. Thừa thắng, chúng tôi kéo rốc ra Cassie. Rạp lớn quá, chúng tôi phải thu nhỏ sân khấu lại. Biết chuyện, một ông chủ xưởng cưa cho mượn cây, ông Chà Đặc bán vải ở Thái Hiệp Thạnh cho mượn vải để làm sân khấu, may phông màn. Nói tiếng mượn, nhưng chúng tôi được tuỳ nghi sử dụng, hư bỏ.

Đêm diễn đầu tiên tại rạp Cassie, dân Thái Hiệp Thạnh ùn ùn kéo đến, rồi dân ở Thanh Điền, Châu Thành xuống. Sợ tụi mật thám Diệm, bọn phản động đội lốt tôn giáo phá hoại, chúng tôi phải mướn hiến binh nguỵ gác cửa. Ở tuồng "Trần Hưng Đạo bình Nguyên", tôi đóng vai Trần Quang Khải, lo quá, đang diễn nghe trống đánh một tiếng thùng, tim tôi muốn rớt ra ngoài vì tưởng lựu đạn nổ. Kể từ đêm diễn đó, tiếng tăm của đoàn Thanh Bình vang xa. Chúng tôi tập thêm tuồng "Tiếng cười trên đoạn đầu đài" (còn có tựa là "Tớ trung sát chủ") rồi đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh: Diễn Vên Vên, Gò Dầu, kéo luôn xuống Trảng Bàng, băng ngược lên Truông Mít. Điểm nào gần lộ thì mướn xe hơi, xe đò. Điểm diễn trong đồng, trong bưng thì lộc cộc xe bò, xe ngựa”.

Nhưng đoàn Thanh Bình cũng chỉ tồn tại được hơn một năm. Cuối năm 1956, sau khi dẹp các giáo phái, chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường khủng bố những người kháng chiến cũ, ngang nhiên bắn giết giữa chợ. Tỉnh uỷ chỉ đạo giải tán đoàn. Để giữ võ bọc hợp pháp, ông Xuân Phát lên Sài Gòn gia nhập đoàn khác. Ông Sáu Hợi về quê tận Vĩnh Long. Ông Ba Đa ở lại, sau bị địch bắt đày đi Côn Đảo, đến năm 1973, được tự do trong đợt trao trả tù binh, về lại Tây Ninh làm Chính trị viên Đoàn Văn công Giải phóng.

Trong hồi ký của mình, ông viết: “… Khi tôi được Tỉnh uỷ gọi về Bời Lời gặp anh Tư Văn (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh-NV) vào đầu tháng 3.1961, tôi có hỏi phân công tôi làm công tác gì, anh nói gọi tôi về để xây dựng Đoàn văn công vì đoàn đã được thành lập rồi mà không có người chuyên môn phụ trách”. Về Bời Lời, ông Bảy Phát lấy vở “Đời Cô Lựu” của soạn giả Trần Hữu Trang làm sườn, viết thêm vở “Tức nước vỡ bờ” (còn có tên khác là "Nợ nước thù nhà").

Tiết mục múa Đồng Khởi của Đoàn Văn công Tây Ninh trong kháng chiến (năm 1969)

 

Thời gian này, đoàn hoạt động rất mạnh, đi biểu diễn phục vụ đồng bào ở khắp nơi trong tỉnh. Có khi phải luồn rừng, băng qua sông trong đêm ngay trước mũi súng của giặc, để kịp đến nơi biểu diễn. Cái sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Cũng vì lẽ đó, trong suốt năm 1961, Tỉnh uỷ không cho phép đoàn tuyển diễn viên nữ, phải bắt diễn viên nam đóng giả. Trong vở “Quét sạch quân xâm lược” có vai “Đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân. Lúc mới thành lập, vai này do ông Hai Một thủ diễn. Sau ông Hai Một chuyển công tác khác, vai Trần Lệ Xuân giao lại cho ông Năm Nam. Soạn giả Xuân Phát kể: Có lần, đoàn diễn phục vụ ở Bến Cầu. Một số cô gái kéo ra phía sau sân khấu để xem mặt “đào” Năm Nam. “Đào” Năm Nam khá đẹp trai, mặt đầy đặn, sóng mũi cao… lại mặc đầm khá mốt, do đoàn gởi cơ sở ra ngoài mua. Nhìn “đào Năm Nam dễ thương quá, các cô cứ tìm cách nắm tay, vịn vai, chắt lưỡi khen đẹp. Ngồi trò chuyện khá lâu, “đào” Năm Nam “mót” quá, xin phép ra ngoài một chút. Có cô lén theo rình. Lúc phát hiện “đào” Năm Nam đứng vén đầm lên, cô này la ầm lên “Trời ơi! Đào là… là đàn ông, tụi bây ơi!”, rồi ù té chạy.

Những chuyện này ông cũng đã thuật lại trong bản hồi ký mà có lẽ bây giờ đang được anh Đào Duy Phước lưu giữ sau khi ông mất. Suốt cuộc đời mình, ông viết và biên tập khá nhiều vở cải lương, như "Nợ nước thù nhà", "Cánh tay Dương Tá", "Tiếng cười trên đoạn đầu đài", “Hai ngã đường”, "Tiếng hát An Cơ", "Hoàng tử bất đắc dĩ"... Những năm cuối đời, thi thoảng các đoàn cải lương ở miền Tây vẫn lên Tây Ninh xin tuồng của ông. Nếu không bị tai nạn giao thông, chắc rằng bây giờ ông vẫn còn sống và trở thành một trong những “pho sử” của ngành Văn hoá.

Khi lãnh đạo tỉnh và Hội Văn học – Nghệ thuật chủ trương tổ chức trao giải thưởng Xuân Hồng cho những người có nhiều cống hiến trong sự nghiệp văn hoá nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, ông Bảy Phát là một trong những người đầu tiên được bầu chọn. Có lẽ, ngày 5.2.2013 tới đây, ngày giỗ thứ 4 của ông, anh Phước sẽ trang trọng đặt tấm bằng công nhận lên bàn thờ giải thưởng mang tên người anh, người bạn của ông Bảy Phát lúc sinh thời.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây