Tiếp tục đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người

Thứ tư - 24/09/2014 00:00 61 0
Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người (TPMBN), nhất là phòng, chống TPMBN dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, trong thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, bước đầu phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân tham gia bước đầu kiềm chế sự gia tăng hoạt động của tội phạm mua bán người.

 

 

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công các này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần khẩn trương khắc phục. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TPMBN và môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài, thời gian tới, cần tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000); Luật Phòng, chống mua bán người; Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg (25/02/2005) về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 24/NĐ-CP (2013) và Thông tư số  22/2013/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Thông tư liên tịch số 01/CA-QP-VKS-TA (2013) hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi môi giới hôn nhân trái phép…

Đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, từng bước xóa bỏ trào lưu “thích lấy chồng nước ngoài” vì mục đích không đúng đắn của một bộ phận phụ nữ, gia đình họ. Tuyên truyền, phổ biến các thông tin pháp luật, kiến thức về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhất là chính sách, pháp luật, phong tục, tập quán và văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều phụ nữ Việt Nam đến lấy chồng như: Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia, Trung Quốc...cũng như những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra; các biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người thông qua môi giới hôn nhân trái phép.

Lực lượng Công an, chủ công là lực lượng Cảnh sát Hình sự các cấp tập trung điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ mua bán người, nhất là dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, xem mặt chọn vợ, kết hôn giả. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về loại tội phạm này một cách kịp thời, nhanh chóng và nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kiên quyết bóc gỡ, vô hiệu hóa các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người, các trung tâm, tụ điểm môi giới hôn nhân trá hình, không để chúng có điều kiện hoạt động phạm tội.

Các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực, xã hội hóa công tác này để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chí trị và người dân tham gia; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý các ngành nghề hoạt động có điều kiện không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Đẩy mạnh cuộc vận động “xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư”, “thanh niên lập nghiệp” và đào tạo nghề, tạo việc làm nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em phụ nữ, nhất là ở các vùng nông thôn.

Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước (nhất là các nước có đông phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, hoặc bị mua bán), các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao TPMBN, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn tại nước sở tại... Xúc tiến việc đàm phán, xây dựng, ký kết Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống TPMBN. Chủ động phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ thực hiện công tác PCMBN... phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây