Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ tư - 25/05/2016 15:00 67 0
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kết tinh thành hệ giá trị bền vững, ổn định, có khả năng lan tỏa và phát sáng sâu rộng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 1.2016) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tinh thần này xuyên suốt tất cả các văn kiện Đại hội, từ Diễn văn khai mạc, Báo cáo Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến Diễn văn bế mạc...

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 Ảnh minh hoạ

Để việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, thiết thực, chúng ta cần tập trung một số nhóm giải pháp như sau:

Nâng cao nhận thức

Nhận thức phải bắt đầu từ phía Đảng, tổ chức và mỗi cá nhân. Điều này đòi hỏi phải suy nghĩ đúng, theo lương tâm và lẽ phải, ít nhất là hai điều cơ bản, đó là: 

Phải nhận thức đúng các giá trị mang tính bền vững của di sản tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Những giá trị này thể hiện qua các tác phẩm, bài nói, bài viết và nhất là qua quan hệ, việc làm, ứng xử của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mặc dù thời gian qua, bằng nhiều đường khác nhau, mỗi cán bộ, đảng viên, ít hay nhiều đã được biết đến các giá trị của di sản Hồ Chí Minh. Nhưng, những điều hiểu biết này chưa mang tính hệ thống và quan trọng nhất là chưa lý giải đến ngọn ngành chiều sâu khoa học của từng giá trị nền móng hàm chứa trong di sản tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.

Giáo dục chỉ mới dừng lại ở việc truyền đạt máy móc các tài liệu. Người đi tuyên truyền cũng chưa thật sự thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc những gì viết ra để biến thành đam mê, khát vọng, tình cảm máu thịt. Vì thế, quá ít báo cáo viên tạo được sự rung động thật sự đến khối óc và trái tim người nghe. Để khắc phục hạn chế trên cần đi sâu nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh một cách căn bản, có hệ thống, khoa học cả về chiều rộng lẫn chiều sâu…

Nhận thức sự cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Điều kiện thực tế hiện tại và thực trạng đáng báo động về đạo đức trong Đảng và đạo đức xã hội đặt ra nhu cầu giáo dục di sản đạo đức Hồ Chí Minh nhằm trang bị cho mỗi người nền móng vững chắc để hình thành bản lĩnh, đủ sức đề kháng, chống trả lại sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, xu thế hội nhập quốc tế và sự lan truyền có hại của sự suy thoái, tha hóa đạo đức trong đời sống hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức đúng, thống nhất, các tổ chức đảng lãnh đạo xây dựng Chương trình hành động, với các bước đi, lộ trình xác thực, cụ thể. Quan trọng nhất là chỉ đạo hình thành các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức, phong cách cho đơn vị, cá nhân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng công tác đang đảm nhiệm. Chủ yếu tập trung vào các chuẩn mực đạo đức nền móng, đó là thực hiện tư tưởng “Trung với nước, hiếu với dân”, “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, “Đề cao dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ”, “Phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.

Kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực tiễn

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tổ chức học tập, làm theo mà thiếu khâu kiểm tra, đánh giá thì coi như không tổ chức học tập. Trước hết, việc kiểm tra học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ trong tổ chức đảng. Điều mấu chốt chính là hình thành được đội ngũ những người đi kiểm tra có phẩm chất, năng lực, hiểu biết công việc và trên thực tế, họ đã là những con người thực hành tốt tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.

Mặt khác, phải đặt sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh dưới sự giám sát của nhân dân. Tin dân, nghe dân và xử lý những vấn đề dân góp ý đúng sẽ giúp cán bộ, đảng viên chú trọng thực hành tư tưởng, phương pháp, nói ít, làm nhiều, làm hay hơn nói, trở thành tấm gương sáng trước mặt quần chúng.

Trong từng thời kỳ, mỗi đơn vị, cá nhân phải có sự tổng kết, rút kinh nghiệm làm căn cứ cho việc đánh giá xếp loại, nêu ra được những việc làm hay, cách làm tốt, có hiệu quả; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, hình thức;biểu dương những gương điển hình, tiên tiến phải gắn với việc phê bình, kỷ luật chính xác, công tâm, khách quan, có tình, có lý cũng là động lực quan trọng để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất, thực tế.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vấn đề tư tưởng, phương pháp, phong cách, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý tư tưởng nhận thức, thế giới quan, phương pháp luận trong Đảng và trong quần chúng nhân dân trở thành nhu câu sống còn.

Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa nhân cách, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh hệ thống quan hệ xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, phấn đấu sớm đưa nươc ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo Báo Tây Ninh online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây