Nghị quyết này được xây dựng căn cứ theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 11- NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước. Và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã xây dựng nội dung cụ thể của các tiêu chí Người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Thể hiện lòng yêu nước
Yêu nước là có tình cảm sâu đậm, gắn bó thân thiết với quê hương, đất nước. Người có lòng yêu nước là người yêu gia đình, làng xóm, quê hương; yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành nghiêm luật pháp, chính sách của Nhà nước; thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước; sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội; tích cực học tập và làm việc để xây dựng đất nước giàu đẹp.
Để thể hiện lòng yêu nước, phụ nữ cần giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và bản sắc văn hoá dân tộc; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tham gia các hoạt động công ích của cộng đồng do chính quyền, mặt trận, các đoàn thể tổ chức; tích cực sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình; nuôi dạy con tốt; thực hiện tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên của đất nước, trong chi tiêu gia đình; nâng cao cảnh giác, chống mọi âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; không tham gia khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp; không vi phạm phát luật.
Có sức khỏe
Và tiêu chí quan trọng nữa là “có sức khoẻ”. Sức khoẻ là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Người có sức khoẻ tốt là người có thể chất tốt, tinh thần sảng khoái, lạc quan, yêu đời; có khả năng thích ứng được mọi điều kiện của môi trường sống và làm việc; có đủ khả năng lao động để tạo ra sản phẩm.
Để có sức khoẻ tốt, người phụ nữ cần tìm hiểu kiến thức cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh tật; có ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.; kết hợp lao động và nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý; động viên chồng, con và người thân cùng chia sẻ công việc gia đình; tích cực luyện tập thể dục thể thao “ Mỗi phụ nữ hãy chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để rèn luyện”; bảo vệ môi trường sống, phòng chống dịch bệnh,...
Có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp
Tri thức là sự hiểu biết có hệ thống của con người về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội. Còn kỹ năng nghề nghiệp là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn công việc. Người có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp là người có kiến thức, hiểu biết về cuộc sống, về xã hội; có trình độ học vấn hoặc tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc; có khả năng tạo sản phẩm đạt năng suất và chất lượng.
Vậy phụ nữ cần làm gì để có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp? Chị em cần tích cực học tập mọi nơi, mọi lúc: từ trường lớp, qua sách báo, bạn bè, đồng nghiệp và từ cuộc sống; thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc; biết lắng nghe, quan sát, nắm bắt thông tin, tích luỹ kinh nghiệm.
Năng động, sáng tạo
Năng động là luôn hoạt động và nhạy bén tìm mọi cách để có thể thực hiện tốt mục đích đã định. Sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần. Tìm ra cái mới, giải quyết cái mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có.
Người năng động, sáng tạo luôn suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện ra cái mới và những sáng kiến hữu ích để áp dụng vào công việc và cuộc sống hàng ngày; có tính độc lập, mạnh dạn tiếp thu, áp dụng tiến bộ công nghệ vào công việc và cuộc sống; có sáng kiến cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc.
Để trở thành người năng động, sáng tạo, phụ nữ cần tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề; mạnh dạn áp dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn công việc và cuộc sống hàng ngày; khắc phục tính tự ty, bảo thủ; luôn có ý thức nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến cách thức, phương pháp làm việc để nâng năng suất, chất lượng, hiệu quả; trao đổi và chia sẻ những tri thức, hiểu biết và kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống cho chị em, bạn bè, đồng nghiệp cùng tiến bộ; rút kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, từ chính công việc của bản thân, đặc biệt là từ những việc chưa thành công.
Có lối sống văn hóa
Lối sống văn hoá là cách ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự và phù hợp với phong tục, tập quán; được thể hiện ở thái độ, hành vi, niềm tin và tình cảm. Người có lối sống văn hóa là người có phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, hài hòa lợi ích tập thể- cá nhân, vừa thích ứng được yêu cầu hội nhập, vừa phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc; Có thái độ tôn trọng, tuân thủ luật pháp của Nhà nước và những quy định của địa phương, cơ quan, cộng đồng; sống trung thực, đoàn kết, chân thành trong quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Để có lối sống văn hóa, phụ nữ cần có ý thức học hỏi, tìm hiểu kiến thức về văn hóa dân tộc và những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; tạo dựng hình ảnh, vẻ đẹp của con người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam; luôn có ý thức trau dồi phẩm chất, đạo đức; điều chỉnh hành vi và cách ứng xử theo chuẩn mực văn hóa cộng đồng; không xúc phạm danh dự và làm tổn hại đến mọi người bằng các hành vi bạo lực dưới mọi hình thức; vận động thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới để tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong xã hội; có ý thức và động viên mọi người cùng có ý thức thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khối xóm văn hóa.
Có lòng nhân hậu
Nhân hậu là lòng yêu thương con người, nhân ái, khoan dung, ăn ở có nghĩa có tình. Người có lòng nhân hậu là người có lòng nhân ái, giàu tình yêu thương và đức hy sinh; sống vị tha, biết chia sẻ, cảm thông với mọi người, nhất là những người gặp hoàn cảnh không may mắn; sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”.
Để trở thành một người có lòng nhân hậu, phụ nữ cần luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp; sống hòa mình vào cộng đồng để cảm nhận, chia sẻ vui buồn cùng mọi người; không kỳ thị, xa lánh những người mắc lầm lỗi, tạo cơ hội cho họ tái hòa nhập cộng đồng trở về với cuộc sống đời thường; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tương thân tương ái.
Ninh An