Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân trong các vụ án mua bán người

Thứ ba - 30/09/2014 00:00 75 0
Tình hình mua bán người hiện nay đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Đáng chú ý là đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.

 

 

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về  phòng, chống mua bán người, mua bán phụ nữ và trẻ em đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán người như:  Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán người. Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản liên quan đến các lĩnh vực mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để lừa gạt phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán. Đặc biệt ngày 29 tháng 3 năm 2011, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Nhằm giao rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận bảo vệ nạn nhân trong các vụ án mua bán người, Luật Phòng, chống mua bán người đã quy định cụ thể như sau:

Tại các điều từ Điều 24 đến Điều 28 của Luật này quy định về quy trình tiếp nhận, xác minh nạn nhân và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân đến khai báo; xác định cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân cũng như căn cứ xác định và các loại giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Luật Phòng, chống mua bán người xác định Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho nạn nhân thì Luật cũng quy định trước khi đến với  Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như: UBND cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác, ...

- Theo Điều 24 của Luật Phòng, chống mua bán người thì nạn nhân bị mua bán trong nước cũng như người đại diện hợp pháp của họ có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.

UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho thân nhân đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi thân nhân cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

- Theo Điều 25 của Luật Phòng, chống mua bán người thì cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết, cấp giấy xác nhận nạn nhân và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội gần nơi nạn nhân được giải cứu.

Sau khi tiếp nhận nạn nhân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các công việc như đối với nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về. Trường hợp nạn nhân chưa được cơ quan giải cứu cấp giấy xác nhận nạn nhân, thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trước khi thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại hoặc chuyển giao nạn nhân cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

- Điều 26 của Luật Phòng, chống mua bán người quy định việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về, bao gồm: nạn nhân trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); nạn nhân trở về theo khuôn khổ thoả thuận quốc tế song phương và các nạn nhân tự trở về. Đáng lưu ý là quy trình tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài tự trở về được thực hiện như đối với nạn nhân bị mua bán trong nước.

Tại các điều từ Điều 29 đến Điều 31 quy định về việc giải cứu, các biện pháp bảo vệ an toàn, bảo vệ bí mật thông tin của nạn nhân cũng như bảo vệ an toàn cho người thân thích của họ.

Trong một số trường hợp khi phát hiện nạn nhân đang bị mua bán hoặc có nguy cơ bị bọn mua bán người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản thì các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu, bảo vệ người đó. Điều 29 của Luật Phòng, chống mua bán người quy định các trường hợp cần giải cứu và cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu hoặc bảo vệ khẩn cấp đối với nạn nhân.

Cùng với việc giải cứu nạn nhân, Luật cũng xác định việc bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ nhằm góp phần quan trọng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố các vụ án mua bán người và có ý nghĩa to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, khoản 1 Điều 30 của Luật Phòng, chống mua bán người quy định rõ các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ, như: bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của nạn nhân; các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.                                                    

Bảo Ngọc

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây