Chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng.
Nông dân các xã An Tịnh, Lộc Hưng, Gia Bình, Hưng Thuận, Gia Lộc, Phước Lưu ký hợp đồng với hai công ty sản xuất hạt giống trồng 509 ha bắp giống. Kết quả khảo sát thực tế của ngành chức năng cho thấy, chi phí đầu tư 1 ha bắp giống gần 49 triệu đồng, với năng suất 8,5 tấn/ha, giá bao tiêu 8.600 đồng/kg, tổng thu được trên 73 triệu đồng/ha. Trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lời khoảng 24 triệu đồng/ha/vụ.
Ðể tận dụng nguồn phân bón còn trên đất trồng bắp, đồng thời rút ngắn thời gian canh tác trên một diện tích đất, nông dân trồng xen dưa hấu trước khi thu hoạch bắp 15 ngày. Nhờ có nguồn phân còn lại sau khi thu hoạch bắp, nên vốn đầu tư cho dưa hấu thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha.
Từ đó, nông dân thu lợi nhuận cao ở vụ dưa hấu, nếu bán được giá, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Như vậy, tổng thu nhập bình quân trên mô hình trồng dưa hấu xen bắp hơn 60 triệu đồng/ha/2 vụ (bắp, dưa). Cây bắp giống không những mang lại hiệu quả cao cho người trồng, mà còn tiết kiệm nước, cải tạo đất, giúp cho đất có thể phục hồi dinh dưỡng cho vụ sau.
Về mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn, trong năm nay có hai hộ nông dân ở xã An Tịnh và Lộc Hưng trồng tổng cộng 40.500m2. Dưa lưới được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao trong nhà màn, có hệ thống tưới tự động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất dưa lưới bình quân 3,3 tấn/1.000m2/vụ; mỗi năm làm 4 vụ, đạt năng suất bình quân 13,2 tấn/1.000m2/năm. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, dưa lưới cho tổng doanh thu bình quân (chưa trừ chi phí đầu tư) khoảng 396 triệu đồng/1.000m2/năm.
Từ nhiều năm qua, mô hình trồng hoa lan cắt cành được người dân ở nhiều xã, thị trấn trong huyện Trảng Bàng thực hiện. Các giống hoa lan có chất lượng cao, bán được giá được đưa vào sản xuất. Tổng diện tích đất trồng hoa lan trên địa bàn huyện hiện nay là 85 ha, với 110 hộ trồng; vốn đầu tư cho một ha khá lớn- từ 2 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng, gồm: cây giống, nhà lưới, hệ thống nước tưới tự động, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động…
Sau một năm trồng, lan bắt đầu cho hoa, bình quân/160.000 cành hoa/ha/năm; giá bán bình quân 5.000 đồng/cành hoa. Doanh thu bình quân 800 triệu đồng/ha/năm. Từ năm thứ 3 trở đi, năng suất bình quân 340.000 cành hoa/ha, doanh thu bình quân khoảng 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Sau 3 năm, người trồng thu hồi vốn đầu tư. Từ năm thứ 4 trở đi, người trồng thu lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) khoảng 800 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, sau 3 năm, người trồng có thể bán được cây giống, giúp tăng thu nhập.
Tại xã Gia Lộc, những năm gần đây có nhiều hộ dân trồng rau rừng (rau sông) đạt hiệu quả kinh tế cao. Rau rừng ở xã Gia Lộc đã được chứng nhận VietGAP. Mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng/ha, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, giá bán khoảng 8.000 đồng/kg, doanh thu bình quân 160 triệu đồng/ha/năm. Sau hai năm, người trồng thu hồi được vốn. Từ năm thứ 3 trở đi, người trồng có lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 3 trang trại trồng chuối xuất khẩu, tại xã Ðôn Thuận, với diện tích 83 ha. Vốn đầu tư cho 1 ha chuối khoảng 500 triệu đồng. Mỗi ha trồng được 2.500 cây chuối, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha/năm; giá bán bình quân khoảng 7.500 đồng/kg, doanh thu bình quân khoảng 187 triệu đồng/ha/năm. Từ năm thứ tư trở đi, người trồng có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
Về vật nuôi, ở Trảng Bàng có mô hình chăn nuôi bò sữa. Từ nhiều năm qua và hiện nay, con bò sữa được đánh giá là vật nuôi mang lại hiệu quả cao. Một con bò sữa đang trong thời kỳ cho sữa thu được trung bình 15 ký sữa/ngày. Với chu kỳ 300 ngày, mỗi con bò sữa cho 4.500kg sữa/năm. Giá sữa bình quân hiện nay là 12.000 đồng/kg, doanh thu 54 triệu đồng/con/năm. Trừ chi phí chăn nuôi 27 triệu đồng/con/năm, còn lợi nhuận 27 triệu đồng/con/năm.
Theo Báo Tây Ninh Online