Trình diễn công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa

Thứ bảy - 18/11/2017 11:00 274 0
Ngày 17.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức hội nghị trình diễn công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa.

Ông Lê Thành Công - Giám đốc Sở Công thương chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện Trung tâm Khuyến công các tỉnh Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Dương, Long An và hơn 40 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Trình diễn công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa
Đại biểu tham quan công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa tại nhà máy sản xuất mì của chi nhánh Công ty Hùng Duy.

Trong năm 2017, chi nhánh Công ty TNHH TM- DV- CN Hùng Duy 8 đã được Bộ Công thương phê duyệt đề án khuyến công quốc gia, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn công nghệ tách mủ mì bằng máy Sê-pa tại huyện Châu Thành. Đến nay, đề án đã hoàn thành các chỉ tiêu đạt yêu cầu đề ra.

Đề án xây dựng mô hình và mua sắm máy móc thiết bị với kinh phí 500 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 470 triệu đồng cho chi nhánh công ty mua sắm thiết bị máy Sê-pa tách mủ tinh bột hiệu ALFALAVAL model TX-712B-34CH, xuất xứ Thụy Điển; công suất đạt 150 tấn tinh bột/ngày (45.000 tấn/năm) và 30 tấn bả khô/ngày .

Công nghệ máy Sê-pa trải qua 9 công đoạn: tiếp nhận củ mì tươi; tách tạp chất, vỏ gỗ và bóc vỏ lụa; rửa, làm sạch; băm và nghiền nhỏ củ; ly tâm tách bã; thu hồi tinh bột thô từ công đoạn tách dịch ; thu hồi tinh bột tinh;  thành phẩm tinh bột; đóng gói.

Sử dụng máy công nghệ Sê -pa tách mủ tinh bột sẽ giảm thiểu rủi ro mất bột dịch mủ khi baume đầu ra quá cao; bảo đảm ổn định chất lượng của tinh bột, do lưu lượng nước rửa được tự động điều chỉnh theo thông số cài đặt; máy rất dễ sử dụng, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp.

Máy ly tâm model TX-712B-34Ch được thiết kế nhỏ gọn, hiệu suất tách mủ cao. Điện năng tiêu thụ của máy thấp hơn khoảng 50% so với các loại máy ly tâm khác trên thị trường hiện nay, giúp giảm chi phí tiền điện cho công đoạn cô đặc và rửa tinh bột trong các nhà máy chế biến tinh bột mì.

Ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh cho biết, đề án trình diễn tại huyện Châu Thành là một trong 18 đề án khuyến công được Bộ Công thương, UBND tỉnh phê duyệt nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ và ứng dựng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm của sản doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập...

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây