Căn nhà cổ do Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, người miền Trung, là quan lại thời Pháp thuộc xây dựng vào năm 1894, với lối kiến trúc độc đáo, vừa mang nét cổ kính, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã.
Căn nhà có chiều rộng 12 mét, dài 20 mét, gồm 1 tầng trệt và 1 gác lửng với nhiều gian phòng thuận tiện cho nhiều thế hệ sinh sống. Kiến trúc nhà từ cột, kèo, vách, gác lửng cho đến bàn thờ tổ tiên hoàn toàn được làm bằng các loại gỗ quý, chạm trổ tinh xảo.
Tổng thể căn nhà được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, cửa ra vào gian chính dù đã bị bạc màu theo năm tháng, nhưng vẫn còn rất cứng cáp. Phía trên các khung cửa là những bức phù điêu rồng bay, phượng múa, cây cỏ, hoa lá... được chạm khắc công phu.
Khách tham quan căn nhà cổ. |
Nổi bật ở gian chính dùng để tiếp khách của ngôi nhà còn lưu giữ 2 bảng thiếp vàng, ghi 2 hàng câu đối bằng chữ Hán; chính giữa là bàn thờ Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, phía trước bàn thờ là bộ bát bửu (8 loại vũ khí thời xưa, hay dùng để trang trí trong nhà, tạo sự uy nghiêm). Phần gác lửng chủ yếu dùng để thờ cúng tổ tiên.
Qua hơn 120 năm với nhiều thế hệ sinh sống, hiện nay là bà Trần Ngọc Sương, 81 tuổi, là cháu đời thứ tư của Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên cùng các con, cháu đang ở, giữ gìn, chăm sóc nên căn nhà hầu như còn giữ nguyên vẹn được bản gốc.
Nhiều năm qua, căn nhà cổ Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên đã trở thành một địa điểm văn hóa, du lịch, đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, khảo cổ đến tham quan, nghiên cứu.
Theo Báo Tây Ninh Online