Triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017

Thứ hai - 31/07/2017 12:00 86 0
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm 2017, Tây Ninh sẽ mở 112 lớp đào tạo nghề cho 3.540 người.

Triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017

Ông Nguyễn Văn Quá- Phó giám đốc Sở LĐTB &XH triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017.

Ngày 28.7, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức tổng kết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016, triển khai kế hoạch đào tạo nghề năm 2017.

Năm 2016, Tây Ninh mở 148 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.532 học viên theo học. Tỷ lệ người học nghề có việc làm sau đào tạo đạt 82%.

Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng, tỷ lệ người thuộc diện được hưởng chính sách ưu tiên trong đào tạo nghề lại ít tham gia. Đơn cử, trong số những hộ bị thu hồi đất, chỉ có 3 người theo học nghề; số người thuộc diện hộ nghèo tham gia học nghề chỉ có 25 người; người thuộc hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia học nghề rất ít (hai nhóm đối tượng này chỉ có 102 người theo học nghề), và chỉ có 5 người khuyết tật theo học.

Lãnh đạo Sở LĐTB &XH cũng cho rằng, việc xác định nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề còn nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2017, Tây Ninh sẽ mở 112 lớp để đào tạo nghề cho 3.540 người.

Tổng kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề năm 2017 gần 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương cấp hơn 3 tỷ, còn lại của địa phương.

Triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017

Học viên nghề tiện thực hành trên máy- Ảnh minh hoạ

UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp phải quan tâm thỏa đáng đến công tác đào tạo nghề. Theo tinh thần này, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.

Đào tạo nghề cần gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, việc huy động đủ 10% người khuyết tật và 40% phụ nữ tham gia học nghề không phải địa phương nào cũng thực hiện được.

Theo thống kê, Tây Ninh là một trong số các tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật tham gia học nghề thấp nhất.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây