Triển khai kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2015

Thứ sáu - 27/03/2015 08:00 47 0
Ngày 26.3, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2015.

trien khai.jpg

Lao động nông thôn học nghề khai thác mủ cao su. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), năm 2015, ngành sẽ tổ chức 136 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, với 4.265 học viên tham gia, trong đó nghề nông nghiệp có 99 lớp với 3.090 học viên, nghề phi nông nghiệp 37 lớp với 1.175 học viên. Tổng kinh phí thực hiện dạy nghề trên 7 tỷ đồng.

Trong năm 2015, mức hỗ trợ tiền ăn tăng từ 15.000 đồng/người/ngày thực học lên 30.000 đồng/người/ngày thực học cho các đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề.

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đúng quy định của Đề án 1956 về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn", trong đó cần lưu ý một số vấn đề khi tổ chức thực hiện, như: ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác;

Các cơ sở tham gia dạy nghề phải có đủ điều kiện về giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó khuyến khích các hình thức dạy nghề lưu động để tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người học nghề; tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề học và có điều kiện làm nghề sau khi học, giúp lao động tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương theo quy định; hỗ trợ người lao động tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm sau học nghề; đảm bảo tỷ lệ học viên có việc làm sau khi học nghề đạt ít nhất 70%.

Thông qua nội dung kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015, các cán bộ tham gia hội nghị kiến nghị một số hạn chế, như: công tác dạy nghề phi nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; một số nghề mới ít được lựa chọn do khó tìm được việc làm, đầu ra; cần mở rộng đối tượng được học nghề, đối tượng được vay vốn để thu hút người dân tham gia học nghề...

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây