Triển khai thực hiện các nội dung để đạt tỷ lệ đô thị hóa cần phải thực chất, kiên quyết không chạy theo chỉ tiêu, thành tích

Thứ hai - 14/08/2017 11:00 209 0
Đó là chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ để phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa theo các chỉ tiêu đã xác định

Theo đánh giá của Sở Xây dựng về thực trạng chỉ tiêu đô thị hóa, tỷ lệ đô thị hóa các năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không đạt theo định hướng tỷ lệ đô thị hóa đã đề ra theo quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh đề ra (năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa là 19,85%, năm 2016 tỷ lệ đô thị hóa là 19,58%).

Cụ thể, chỉ đạt 51,53% so với tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 đã đề ra trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia (theo quyết định số 659/QĐ-UBND tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 là 38%). Chỉ đạt 59,33% so với tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 đã đề ra  trong  Quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định 589/QĐ-TTG tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 là 33%).

Qua phân tích của Sở Xây dựng cho thấy, dân số đô thị của tỉnh Tây Ninh hiện nay chủ yếu tập trung đông nhất tại thành phố Tây Ninh (dân số đô thị gồm 7 phường). Theo thống kê của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-Công an tỉnh, tổng số dân toàn tỉnh năm 2016 là 1.380.298 người. Trong đó dân số đô thị là 270.228 người, dân số nông thôn 1.110.070 người.  Qua số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Tây Ninh năm 2016 đạt 19,58 %  là phù hợp với tình hình thực tế của các đô thị hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay gồm 9 đô thị (thành phố Tây Ninh là đô thị loại III; thị trấn Trảng Bàng, thị trấn Hòa Thành là đô thị loại IV và 6 thị trấn còn lại là đô thị loại V).

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, tốc đô thị hóa tại các đô thị (gồm các thị trấn Bến Cầu, thị trấn Dương Minh Châu và thị trấn Tân Châu) chậm so với kế hoạch, tốc độ đầu tư xây dựng và phát triển đô thị chậm. Do không có nguồn lực và không kêu gọi đầu tư; đồng thời do sức hút lao động tại các đô thị này không cao, thậm chí còn bị các đô thị khác hút lao động đi, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp thấp so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, huyện Trảng Bàng và huyện Hòa Thành chưa được Chính phủ công nhận là thị xã; các đô thị mới dự kiến thành lập như: Đô thị cửa khẩu Mộc Bài, Chàng Riệc, Kà Tum và đô thị Phước Đông-Bời Lời chưa được đạt tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đô thị loại V. Do đó, tỷ lệ dân số đô thị còn thấp dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa trên phạm vi toàn tỉnh thấp hơn so với định hướng của tỉnh.

Theo dự báo của Sở Xây dựng, năm 2020 tổng số dân toàn tỉnh là 1.547.506 người, trong đó, đô thị 743 người, nông thôn 804 người. Chỉ tiêu đô thị hóa của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đạt 48,01%.

Để đạt tỷ lệ đô thị hóa cơ bản phù hợp theo Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 16/10/2005 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, trong đó, năm 2017: Lập Đề án thành lập thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành; năm 2018, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành, trình Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu là đô thị loại IV; năm 2019, tổ chức công nhận đô thị loại V cho các đô thị cửa khẩu: Mộc Bài, Chàng Riệc và đô thị mới Phước Đông-Bời Lời; năm 2020, tổ chức công nhận đô thị loại V cho các đô thị cửa khẩu Xa Mát và Kà Tum.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đối với các đô thị cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum và đô thị mới Phước Đông-Bời Lời.

Qua xem xét phân tích, đánh giá và đề xuất của Sở Xây dựng về thực trạng tỷ lệ đô thị hóa và dự báo tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tại Công văn 2010/UBND-KTN ngày 01/8/2017 về thực hiện các nhiệm vụ để phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa theo các chỉ tiêu đã xác định, lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất với nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng đồng thời giao cho các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong đó, các sở, ban ngành, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiệm vụ phát triển đô thị được phân công tại Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 27/10/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Tây ninh.

Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ thẩm định, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tổ chức lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đối với đô thị mới Mộc Bài trong đó lồng ghép chương trình phát triển đô thị và đề xuất các dự án khu đô thị mới trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư theo quy định.

UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình kế hoạch đầu tư và phát triển, hiện đại hóa hệ thống đô thị, hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ tại đô thị và nông thôn với mục tiêu phát triển đô thị bền vững ứng phó được với các thách thức rủi ro từ biến đổi khí hậu. UBND huyện Trảng Bàng, huyện Hòa Thành triển khai tổ chức Đề án thành lập thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành. UBND các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Dương Minh Châu tổ chức lập chương trình phát triển đô thị cho các thị trấn. UBND huyện Tân Biên, huyện Tân Châu tổ chức lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đối với đô thị cửa khẩu Xa Mát, cửa khẩu Chàng Riệc, cửa khẩu Kà Tum, trong đó lồng gép chương trình phát triển đô thị và đề xuất danh mục các dự án khu đô thị mới trình UBND tỉnh ban hành, làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư theo quy định.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trình độ người dân trong việc thực hiện các quy định về đô thị, trật tự đô thị, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG triển khai lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thi Khu đô thị-dịch vụ Phước Đông Bời Lời, đồng thời triển khai Chương trình phát triển khu đô thị A lồng ghép trong hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị; làm cơ sở kêu gọi đầu tư và xây dựng khu A đạt tiêu chí đô thị trong năm 2019.

UBND tỉnh cũng lưu ý việc triển khai thực hiện các nội dung để đạt tỷ lệ đô thị hóa cơ bản phù hợp với các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải thực chất, kiên quyết không chạy theo chỉ tiêu, thành tích; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được đầu tư phải đảm bảo chất lượng, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 16/10/2005 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó định hướng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tây Ninh theo các giai đoạn như sau:

-Giai đoạn đến năm 2015: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 33%

-Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 48%

-Giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 52%

-Giai đoạn 2026-2030: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 57%

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây