Tuyên truyền các khẩu hiệu về an toàn giao thông cho các cấp học trong năm học 2018-2019

Thứ tư - 15/08/2018 16:00 131 0

Ngày 09 tháng 8 năm 2018, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành công văn số 33/B.ATGT về việc tuyên truyền các khẩu hiệu về an toàn giao thông từ cấp bậc học Mầm non đến cấp bậc học Trung học phổ thông. Qua đó, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tất cả các giáo viên từ bậc học Mầm non đến bậc học Trung học phổ thông, trước khi giảng dạy bài mới phải nhắc nhở, tuyên truyền cho các cháu và các em ít nhất là một câu về an toàn giao thông phù hợp với cấp bậc học để các cháu và các em nắm, chấp hành với khẩu hiệu cụ thể như:

1. Cấp Mầm non - Mẫu giáo

Khi đi bộ phải đi phía bên phải theo chiều đi của mình; Khi đường có vỉa hè phải đi bộ trên vỉa hè; Khi đường không có vỉa hè phải đi bộ sát mép đường bên phải; Không được đá banh, chơi đùa dưới lòng đường; Đèn tín hiệu giao thông có 03 màu: Màu xanh được phép đi; Màu đỏ cấm đi; Màu vàng chuẩn bị dừng hoặc chuẩn bị đi; Nhắc cha, mẹ, anh, chị dừng lại khi đèn tín hiệu giao thông đã bật đỏ;  Nhắc cha, mẹ, anh, chị đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện;  Trẻ em dưới 7 tuổi khi qua đường phải có người lớn dẫn dắt; Khi ngồi trên xe ôtô không được thò đầu, thò tay ra ngoài; Khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không được đùa giỡn.

2. Cấp Tiểu học

Tuân thủ Luật Giao thông để mỗi ngày đến trường là một ngày vui; Đi đúng đường, nhường đúng lối, không cần vội, vui tới trường; Sự an toàn trên từng bước đi là niềm vui theo em đến trường; Nhắc cha đội mũ, nhắc mẹ cài quai, em đã thuộc bài, nào ta đến lớp; Dừng lại, quan sát cẩn thận trước khi qua đường; Không được đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường giao thông; Không trèo qua dải phân cách để qua đường; Không chăn, thả súc vật trên đường giao thông; Hãy đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; Điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp được chở thêm trẻ em dưới 7 tuổi; Khi tham gia giao thông người điều khiển, người ngồi trên xe đạp không được sử dụng ô dù, không mang, vác vật cồng kềnh; Biển báo cấm có dạng hình tròn, viền màu đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số màu đen thể hiện điều cấm; Biển báo nguy hiểm có dạng hình tam giác đều, viền màu đỏ, nền màu vàng, trên nền có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần cảnh báo nguy hiểm; Biển hiệu lệnh có dạng hình tròn, nền màu xanh lam, trên nền có hình vẽ màu trắng nhằm báo cho người tham gia giao thông biết chấp hành; Biển chỉ dẫn có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông.

3. Cấp Trung học cơ sở

Phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; Không dàn hàng ngang khi đi bộ và xe đạp trên đường; Không chở quá số người quy định; An toàn là bạn, tai nạn là thù; Không phóng nhanh, vượt ẩu; Hãy thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ôtô có trang bị dây an toàn; Tôn trọng và nhường nhịn mọi người khi tham gia giao thông là biểu hiện của người có văn hóa giao thông; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông; Phải chấp hành theo hệ thống báo hiệu đường bộ (biển báo, đèn tín hiệu, vạch sơn kẻ, người điều khiển giao thông…

4. Cấp Trung học phổ thông

Tính mạng con người là trên hết; Ươm mầm non cho đất nước bắt đầu từ việc nâng cao ý thức về giao thông; Lái xe an toàn vì nụ cười trẻ thơ và thế giới ngày mai; Phải đi đúng làn đường, phần đường quy định cho từng loại phương tiện; Đã uống rượu, bia thì không lái xe; Không lái xe khi đã uống rượu, bia; Lái xe ôtô không được uống rượu, bia dù là một lượng rất nhỏ; Nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông tại Việt Nam là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu, bia; Khi nồng độ cồn trong máu của người lái xe càng tăng thì rủi ro gây tai nạn càng rất lớn; Không sử dụng điện thoại di động khi lái xe; Không chở quá số người quy định; Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp: chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; chở trẻ em dưới 14 tuổi; Cần giảm tốc độ và quan sát kỹ khi từ đường phụ ra đường chính; Phải giảm tốc độ khi từ đường phụ ra đường chính; Hạnh phúc đơn giản là an toàn trên đường tới trường; Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy phải mang theo: đăng ký xe; giấy phép lái xe và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Không được lái xe liên tục quá 4 giờ; Khi đang lái xe nếu thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu buồn ngủ hãy dừng lại và nghỉ ngơi; Luôn sử dụng đèn xi nhan khi chuyển làn đường, chuyển hướng đi; Bạn nên nháy xi nhan với khoảng cách 25-30 mét trước khi chuyển sang hướng khác; Hãy giữ khoảng cách với xe phía trước đủ lớn để bạn có thể dừng lại an toàn trong trường hợp phải xử lý tình huống bất ngờ, phanh gấp; Người lái xe phải tuân thủ quy định về tốc độ và phải giữ một khoãng cách an toàn khi tham gia giao thông; Nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới được ghi trên biển báo hiệu đường bộ; Khi muốn chuyển hướng trước tiên phải giảm tốc độ và phải có tín hiệu báo hướng rẽ (trái hoặc phải; Khi vượt xe phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông; Hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ; Văn hóa giao thông đường bộ là cách ứng xử có văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông trên đường; Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng sự tôn trọng và chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, có hành vi xử sự đúng chuẩn mực xã hội, biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm.  

ĐV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây