Tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017: Ưu tiên tuyên truyền ở khu vực nông thôn

Thứ ba - 22/08/2017 10:00 148 0
Ngày 18/8/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2185/KH-UBND tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao và tạo nhận thức chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các cấp, ngành, địa phương, tầng lớp nhân dân (nhất là khu vực nông thôn), các doanh nghiệp về mục tiêu, nội dung, giải pháp của Chương trình, từ đó phát huy vai trò chủ thể của mình tự giác tham gia, đóng góp tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm thực đạt các mục tiêu đã đề ra. Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, những kết quả đạt được của Chương trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới. Qua đó thúc đẩy thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình đến cuối năm 2017 có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 37,5% số xã trên địa bàn tỉnh; bình quân toàn tỉnh đạt 14,6 tiêu chí/xã; 50 xã còn lại, mỗi xã tăng từ 1 - 3 tiêu chí so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên toàn tỉnh 39,9 triệu đồng/người/năm; các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 theo Quyết định số 455/QĐ-UBND phải đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Phấn đấu trên 70% người dân khu vực nông thôn hiểu, đồng thuận về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Kế hoạch đặt ra yêu cầu truyền thông, thông tin tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, nhất quán các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đi đôi với lắng nghe ý kiến nhân dân. Nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như đối tượng được tuyên truyền. Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, huy động thêm các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa nhằm góp phần đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ truyền thông, thông tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; các mô hình sản xuất tiêu biểu; các cách làm hay, sáng tạo; những sáng kiến và mô hình tiêu biểu về gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Đối tượng tuyên truyền là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; các doanh nghiệp, HTX và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Nghị Quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 09/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuyên truyền mục tiêu, nội dung, giải pháp và tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, các văn bản, cơ chế chính sách của Tỉnh, của Trung ương là cơ sở định hướng để tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền kết quả thực hiện phong trào thi đua Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.

Thông tin, tuyên truyền những thành tựu, kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; tập trung tuyên truyền những địa phương đã đạt chuẩn, phương pháp, cách làm nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn; những gương điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất tiêu biểu ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được công nhận; những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; các sản phẩm nông sản, thương hiệu của địa phương; những sáng kiến và mô hình tiêu biểu về gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền các địa phương, đơn vị phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân, huy động tốt các nguồn lực, nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình; các địa phương có những phương pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, thực hiện vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đặc biệt là các địa phương đã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án, công trình nông thôn mới; phát động phong trào xây dựng nông thôn mới có sự tham gia, đóng góp tích cực của người dân, thể hiện rõ chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là người dân và cộng đồng dân cư.

Kịp thời phản ánh những giải pháp, cách làm hay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình ở các địa phương để phát huy nhân rộng.

Việc tuyên truyền Chương trình được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như đối tượng, nội dung được tuyên truyền, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; kết hợp tổ chức tuyên truyền Chương trình tại các hội nghị, lớp tập huấn, dạy nghề, trong sinh hoạt của Chi bộ, đoàn thể,… của các ngành, đơn vị, địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất tiêu biểu, mô hình gìn giữ và bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Tây Ninh, Báo Tây Ninh điện tử (01 chuyên mục/tuần, ít nhất 01 chuyên trang/tháng,…), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (phát sóng ít nhất 03 chuyên mục/tháng), Cổng thông tin điện tử tỉnh (đăng tải các văn bản chỉ đạo điều hành, đưa tin, bài, ảnh, chuyên mục,…); hệ thống Đài Phát thanh, Truyền thanh cấp huyện, xã, phường, thị trấn, các ấp (01 chuyên mục/ngày). Tuyên truyền trên bản tin sinh hoạt Chi bộ, bản tin Khoa giáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bản tin và trang thông tin điện tử của các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, cấp huyện. Biên soạn các tài liệu tuyên truyền về Chương trình. Tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức khác như: Khẩu hiệu, panô, áp phích, sổ tay, tờ gấp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ (sáng tác đề tài nông thôn mới, thi sáng tác văn học nghệ thuật, in ấn và phát hành 01 Tuyển tập tác phẩm ca khúc tân, cổ và ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”), giao lưu, tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm lớn của tỉnh, tọa đàm, các hội thi, cuộc thi,… Tuyên truyền thông qua các buổi phục vụ cơ sở của Đội tuyên truyền Lưu động tỉnh, huyện tại các xã vùng sâu, vùng biên giới; lồng ghép tuyên truyền vào các hoạt động liên quan, hội thi, hội diễn của ngành, các buổi sinh hoạt, phục vụ văn hóa, văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ, đội, nhóm tại các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên tuyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ấp văn hóa. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới trong và ngoài tỉnh. Lồng ghép trong các cuộc họp báo định kỳ theo quy định đối với các đơn vị truyền thông để cung cấp thông tin về kết quả xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, Các Sở, Ban, Ngành tỉnh căn cứ Kế hoạch này, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền của cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với những nhiệm vụ được giao trong thực hiện Chương trình của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, vận động cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các phong trào thi đua của ngành, cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền trên bản tin, Website, trang thông tin điện tử của ngành, kết hợp tuyên truyền Chương trình với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền liên quan đến xây dựng nông thôn mới thuộc ngành để các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải, thông tin trên hệ thống thông tin của tỉnh, tuyên truyền trong nội bộ các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, đơn vị có liên quan; và đồng gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) chủ trì, tham mưu, giúp UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh, các Sở, Ngành, các hội, đoàn thể, địa phương và các cơ quan truyền thông tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu; các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên Trang thông tin điện tử của Sở. Tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới (sổ tay, tờ gấp,…). Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho Ban Chỉ đạo các cấp, đội ngũ CBCC trực tiếp thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, các đối tượng khác theo quy định. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp với Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho báo chí về các lĩnh vực quản lý của ngành. Phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh tổ chức tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức phù hợp. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tuyên truyền phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền  tin, bài, ảnh; thường xuyên cập nhật thông tin về các cơ chế, chính sách, tình hình triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng chuyên mục, banner tuyên truyền phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh cấp huyện; hệ thống đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình.

Các cơ quan báo chí, tuyên truyền của tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin trên chuyên mục Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới; đổi mới, nâng cao chất lượng các tin, bài viết, chuyên mục tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; tăng thời lượng phát sóng, phát thanh… Phát động, khích lệ, tạo điều kiện cho các phóng viên, biên tập viên, hội viên sáng tác những tác phẩm chất lượng cao về chủ đề nông thôn mới, tham các cuộc thi báo chí của Trung ương (viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2228/QĐ-BNN-VPĐP ngày 01/6/2017,…), của tỉnh; phát hành 01 Tuyển tập tác phẩm ca khúc tân, cổ và ảnh nghệ thuật chủ đề “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thông qua các hình thức phù hợp (tổ chức thi sáng tác, lớp tập huấn,…), vận động hội viên, văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm về chủ đề xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đăng tải kịp thời các tác phẩm có chất lượng về chủ đề nông thôn mới trên các ấn phẩm của đơn vị.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố, các đơn vị thuộc tổ chức treo panô, áp phích, khẩu hiệu,… tuyên truyền về Chương trình. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị cơ sở làm mới các cụm panô, áp phích, khẩu hiệu,…, nhất là tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.Tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tuyên truyền lưu động nhằm tuyên truyền, cổ động, cổ vũ người dân nông thôn hăng hái thi đua XDNTM; chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động của hệ thống những Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, Nhà văn hóa ấp.

 Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng những tấm gương điển hình trong thực hiện Chương trình.

Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong khối tuyên truyền, các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố, Đảng ủy trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền Chương trình theo nội dung kế hoạch. Biên soạn, xuất bản 1-2 ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về Chương trình, phát hành đến các chi bộ, đảng bộ cơ sở, chi bộ dưới cơ sở; Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các cấp; Ban Phát triển ấp; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; Ban Tuyên giáo các cấp; đài phát thanh, truyền thanh cơ sở,…nhằm tuyên truyền, giới thiệu những chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh; những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; những mô hình điển hình; những xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh; những đóp góp ý nghĩa, thiết thực của các tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện Chương trình, phong trào Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ đó cung cấp nguồn thông tin chính thống để tuyên truyền, phổ biến trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 01 hội nghị tập huấn tuyên truyền về Chương trình cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; các cơ quan báo chí, tuyên truyền; Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố, Đảng ủy trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh… để cung cấp, thông tin, định hướng tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Xây dựng một số trang chuyên đề tuyên truyền về Chương trình, phản ánh các hoạt động về xây dựng nông thôn mới ở các huyện, thành phố và cơ sở trên Bản tin sinh hoạt Chi bộ, Bản tin Khoa giáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tập trung nắm bắt, phản ánh, định hướng dư luận xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền Chương trình theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng Kế hoạch tuyên truyền cụ thể của cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và những nhiệm vụ được giao trong thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, vận động CBCCVC, đoàn viên, hội viên gương mẫu tích cực tham gia phong trào thi đua Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới, Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với các phong trào thi đua của ngành, địa phương, đơn vị; gắn kết chặt chẽ nội dung xây dựng nông thôn mới với phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư", "Cựu chiến binh gương mẫu", “Thanh niên Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; phong trào " Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ",…. Thường xuyên tuyên truyền trên bản tin, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về Chương trình của huyện, thành phố; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện (thông qua Ban Chỉ đạo tỉnh). Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp; tổ chức biểu dương những tập thể, cá nhân đạt thành tích cao, có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã; trang thông tin điện tử, Đài Truyền thanh huyện, thành phố; hệ thống đài truyền thanh cơ sở lập kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của cấp huyện cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền liên quan đến xây dựng nông thôn mới thuộc địa phương để các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải, thông tin trên hệ thống thông tin của huyện, của tỉnh, tuyên truyền trong nội bộ các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, đơn vị có liên quan; và đồng gửi về phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, phòng Kinh tế Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện. Thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách địa phương cho các hoạt động tuyên truyền trên địa bàn.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây