![]() |
Sản xuất hàng mây tre xuất khẩu. Ảnh: Du Thi |
Theo Đề án, Tây Ninh là tỉnh có tỷ trọng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế khá cao. Để khắc phục nghịch lý lao động nhiều, vốn ít, hiệu quả đầu tư thấp nhưng lại chiếm vị trí quan trọng, do vậy, cần phải tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp theo phương thức công nghiệp. Chính vì thế, “Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” đặt ra mục tiêu định hướng những giải pháp nhằm nâng cao trình độ sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nông thôn, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch với thành thị, tạo động lực bền vững đưa Tây Ninh về đích công nghiệp hoá vào năm 2020.
Đề án đã đánh giá tổng quan hiện trạng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn Tây Ninh, cũng như những kinh nghiệm về phát triển nông thôn trong và ngoài nước, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm về những thành công và hạn chế trong thời gian qua, đưa ra những dự báo phát triển. Qua đó, Đề án nêu rõ mục tiêu là: Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm bảo đảm sự tăng trưởng cao và bền vững của kinh tế nông nghiệp và nông thôn, trước hết là công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tài nguyên, môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội nông thôn phát triển văn minh, hiện đại.
Từ đó, đề án đưa ra những mục tiêu cụ thể ở từng lĩnh vực công nghiệp nông thôn: Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (GTSX CNNT) năm 2015 đạt khoảng 4.335 tỷ đồng và năm 2020 sẽ là 8.165 tỷ đồng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 16,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,5%/năm; cơ cấu GTSX CNNT Tây Ninh trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 sẽ là 20%; năm 2020 sẽ 18%. Trong giai đoạn 2011 – 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn khoảng 22 đến 23 nghìn tỷ đồng (giá thực tế). Nhu cầu lao động công nghiệp nông thôn tăng thêm trong cả thời kỳ 2011-2020 là 7.360 người, trong đó số phải được đào tạo trong trường nghề tối thiểu là 3.700 người.
Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đã đưa ra các giải pháp chung về thị trường, xúc tiến đầu tư, nguồn vốn; cung cấp thông tin mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá sản phẩm; phát triển nguồn nguyên liệu; tổ chức quản lý; khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực... Đề án cũng đề ra các giải pháp cụ thể phát triển cho từng ngành nghề ưu tiên sản xuất; địa bàn và lĩnh vực cần tập trung ưu tiên đầu tư; đối tượng ưu tiên đào tạo…
Công nghiệp nông thôn có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Phát triển công nghiệp nông thôn là một nhu cầu bức thiết hiện nay nhằm góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn Tây Ninh.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc