Song, tình trạng bạo lực gia đình hiện nay tuy có giảm, nhưng ở từng địa phương tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, mức độ, tính chất của từng vụ, từng hành vi ngày càng phức tạp, đa dạng hơn, nạn nhân bị bạo lực không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà còn ở người già, trẻ em, thậm chí là nam giới.
Qua số liệu báo cáo của Toàn án nhân dân tỉnh Tây Ninh hai năm 2008-2009 (Toàn án địa phương) đã thụ lý 4.369 vụ, đã giải quyết lý hôn 4.108 vụ, trong đó có 154 vụ do bị đánh đập, ngược đãi; vợ, chồng, ngoại tình: 128 vụ, mâu thuẫn kinh tế: 54 vụ; rượu chè, ma túy: 08 vụ. Đặc biệt, có 08 bản án xử lý hình sự về BLGĐ trong đó có 04 vụ chồng giết vợ.
Các cơ quan tiến hành tốt tụng 2 cấp (tỉnh, huyện) đã khởi tốt 37 vụ hình sự liên quan đến hành vi BLGĐ, trong đó có 6 vụ giết người, 26 vụ cố ý gây thương tích. Ngành Tòa án đã thụ lý và đưa ra giải quyết 13.085 vụ án hôn nhân gia đình (cấp tỉnh: 262 vụ; cấp huyện:12.823 vụ); trong đó có 702 vụ án có hành vi BLGĐ (cấp tỉnh: 20 vụ; cấp huyện: 682 vụ)...
Dù BLGĐ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng xác định BLGĐ luôn là vấn nạn của xã hội, nếu không đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho những hộ gia đình có nguy cơ BLGĐ thì tình trạng BLGĐ ngày càng tăng, dẫn đến cảnh gia đình tan vỡ, con cái là nạn nhân của BLGĐ...để lại hậu quả cho xã hội và trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác gia đình, PCBLGĐ ngày càng nhiều hơn.
Từ đó, để công tác PCBLGĐ ngày càng đạt hiệu quả, Ngày 30/7/2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1725/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, và sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền các cấp với hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình..
Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thi hành pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình.
Đánh giá kết quả, duy trì, nhân rộng và hiệu quả hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Duy trì cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức sơ kết vào năm 2015 và tổng kết vào năm 2020 về kết quả triển khai thực hiện Chương trình.
Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, cần phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Cụ thể, xây dựng mạng lưới cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình. Phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian không quá một ngày theo yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình.
Triển khai phát triển mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng “Địa chỉ tin cậy”. Thành lập, nhận rộng, phát huy hiệu quả vai trò mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, phát huy tốt Luật hòa giải ở cơ sở, hỗ trợ các tổ hòa giải, giải quyết tốt ngay từ đầu những mẫu thuẫn nhỏ, ngăn chặn kịp thời hành vi phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm.
Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình; áp dụng biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người gây bạo lực gia đình (có hành vi BLGĐ). Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác PCBLGĐ.
Để thực hiện tốt chương trình, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật liên quan đến PCBLGĐ, triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
MN