UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 28/09/2017 16:00 62 0
Ngày 20/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2017.

Quyết định quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp), khu dân cư nông thôn tập trung, khu chức năng khác (cửa khẩu, cụm công nghiệp), các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất ngoài các khu vực trên nằm trên địa bàn tỉnh có các hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) và hộ thoát nước (là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xả thải vào hệ thống thoát nước) có liên quan hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo Quyết định, hệ thống xử lý nước thải bao gồm: Mạng lưới thoát nước cấp 1 (hệ thống cống bao, rãnh dọc, kênh, mương dẫn nước thải sau khi xử lý, nước mưa xả vào nguồn tiếp nhận là các kênh, mương, sông, suối chính có dòng chảy tiêu thoát nước cho khu vực hoặc vùng); Mạng lưới thoát nước cấp 2 (hệ thống cống dọc các đường phố chính có chức năng vận chuyển nước thải và nước mưa, có thể thông qua hoặc không thông qua các trạm bơm, các trạm xử lý, hồ điều hòa, đến mạng lưới thoát nước cấp 1); Mạng lưới thoát nước cấp 3 bao gồm các tuyến cống dọc đường phố tại các khu dân cư, các khu chức năng, cống dẫn nước mưa, nước từ các hố ga mặt đường dùng để thu gom, truyền tải nước thải, nước mưa của các hộ hoặc nước bề mặt đến mạng lưới thoát nước cấp 2 và cấp 1 (đối với tuyến cống dọc, cống dẫn nước mưa nằm giáp nguồn tiếp nhận).

Công trình thuộc hệ thống thoát nước bao gồm Hộp đấu nối (là các điểm đầu tiên của hệ thống thoát nước thải, đấu nối với các hộ thoát nước, tiếp nhận nước mưa, nước thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước), hố kiểm tra, ga thăm, cửa thu nước lề đường, cửa tràn tách nước; Trạm bơm nước thải, nước mưa; các tuyến cống thuộc mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, cấp 3; Hồ điều hòa và kênh mương; Cửa xả nước mưa hoặc nước thải đã xử lý vào nguồn tiếp nhận; Nhà máy xử lý nước thải, phòng thí nghiệm; Công trình xử lý bùn cặn.

Quyết định nêu rõ, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải thực hiện theo kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước được phê duyệt. Kế hoạch thoát nước phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước vùng tỉnh và định hướng phát triển hệ thống thoát nước đã được phê duyệt.

Hệ thống thoát nước các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung, khu chức năng khác được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ hệ thống thoát nước phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước vùng tỉnh được phê duyệt.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải phải tuân theo các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải phải thực hiện đồng bộ từ mạng lưới thoát nước cấp 1, 2, 3; đấu nối hộ thoát nước đến nhà máy xử lý nước thải, cửa xả ra môi trường. Trong trường hợp chưa đủ kinh phí đầu tư xây dựng thì phải phân chia giai đoạn đầu tư theo lưu vực, trục đường ưu tiên, nhưng phải đảm bảo yếu tố đồng bộ, kể cả công trình xử lý bùn thải cho lưu vực lựa chọn.

Các khu dân cư nông thôn tập trung; khu chức năng khác (cửa khẩu, cụm công nghiệp), các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất nằm ngoài đô thị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có khả năng kết nối hệ thống thoát nước tập trung, khuyến khích ưu tiên lựa chọn đầu tư xây hệ thống thu gom, xử lý nước thải phi tập trung; Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải theo quy định Điều 16 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP; ưu tiên sử dụng công nghệ thích hợp, thân thiện với môi trường và phù hợp điều kiện kinh tế xã hội tỉnh.

Quyết định cũng quy định chủ sở hữu, đơn vị thoát nước có trách nhiệm quản lý hệ thống thoát nước và các công trình của hệ thống thoát nước. Nội dung quản lý hệ thống thoát nước gồm: Quản lý hệ thống thoát nước mưa; quản lý hệ thống hồ điều hòa; quản lý vận hành hệ thống thoát nước thải; quản lý hệ thống các điểm xả ra nguồn tiếp nhận phải thực hiện theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, và 26 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.

Khi tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, đơn vị thoát nước phải lập kế hoạch cụ thể về thời gian thi công, biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn trật tự, an toàn giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường trước khi tiến hành nạo vét gửi Sở Xây dựng, UBND cấp huyện để phối hợp quản lý; Nạo vét đến đâu phải tiến hành đậy nắp đan, chèn khít mạch hệ thống thoát nước đến đó; không để miệng cống, hố ga hở qua đêm đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên đường; Chất thải nạo vét phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, không để chất thải rơi vãi khi lưu thông trên đường và đổ thải đúng nơi theo quy định.

Ngoài ra, Quyết định quy định cụ thể về đấu nối và miễn trừ đấu nối; tiêu chuẩn dịch vụ thoát nước; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây