UBND tỉnh Quy định mức thu và quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 30/09/2013 00:00 69 0
Ngày 26/9/2013, UBND tỉnh ký Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ban hành Quy định mức thu và quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

 

 

Quyết định này quy định mức thu và quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn áp dụng cho các đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc các hoạt động khác (trừ chất thải rắn thông thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình); Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là các tổ chức, cá nhân có thải chất thải rắn thuộc đối tượng chịu phí quy định; Đối tượng không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là cá nhân, hộ gia đình thải chất thải rắn sinh hoạt thông thường; tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí nhưng tự xử lý hoặc ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật.

Mức thu được quy định đối với chất thải rắn thông thường phát sinh từ các hoạt động của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề là 40.000 đồng/tấn. Đối với chất thải rắn nguy hại là 6.000.000 đồng/tấn.

Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã là đơn vị tổ chức thu phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Chi cục Bảo vệ môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã được ủy quyền Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn.

Đơn vị tổ chức thu phí được giữ lại 18% số phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí như chi phí phân tích mẫu đối chứng và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất làm cơ sở xác định tính chất và khối lượng của chất thải; tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, trang thiết bị, thông tin liên lạc, nhiên liệu, điện, nước, công tác phí, khen thưởng.

Phần còn lại sau khi trích cho đơn vị thu phí là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, được dùng chi cho các nội dung theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ, bao gồm chi phí cho việc xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, như: đốt, khử khuẩn, trung hóa, trơ hóa, chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, đảm bảo có sự kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình xử lý chất thải; Chi hỗ trợ cho việc phân loại chất thải rắn, bao gồm cả hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đối với cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn ngay tại nguồn; Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, công trình xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây