UBND tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020

Thứ sáu - 30/09/2016 09:00 77 0
Ngày 28/9/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2436/QĐ-UBND về Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch là 423.826,7 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là 313.543,3 triệu đồng, nguồn xã hội hóa là 110.283,4 triệu đồng.

Mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng và xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là:

100% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động và có nhu cầu được đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp. 100% công trình công cộng và chung cư xây dựng mới, cải tạo sửa chữa là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, các công trình văn hóa... bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; các công trình công cộng tư nhân khi xây dựng mới, cải tạo sửa chữa xin cấp giấy phép xây dựng phải bắt buộc đảm bảo lối tiếp cận cho người khuyết tật. 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 100% hộ gia đình có người tâm thần nặng được tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc người bệnh tại gia đình. 100% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực vê quản lý, chăm sóc, hỗ trợ, tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác trợ giúp người khuyết tật; 100% người khuyết tật có nhu cầu cần xác định mức độ khuyết tật được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã đánh giá công nhận và cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật; đối với người khuyết tật đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước, được giải quyết chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ mai táng phí theo quy định.

90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau.          

90% số trẻ em từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi được phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật.

80% người khuyết tật có nhu cầu được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Ít nhất 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.

Ít nhất 70% trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ phẫu thuật. 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

60% gia đình có người khuyêt tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

50% người khuyết tật có đủ điều kiện tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. 50% người khuyết tật dược tập huấn các kỹ năng sống.

40% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao.

30% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật.

Theo kế hoạch, có 11 hoạt động hỗ trợ bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác người khuyết tật; Phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dịch vụ trợ giúp cho người khuyết tật;Trợ giúp tiếp cận giáo dục; Dạy nghề, tạo việc làml; Trợ giúp tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng; Trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;Bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật; Nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá; Hợp tác quốc tế, xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật. 

Thanh Tú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây