Vì sao thực hiện Đề án 343?

Thứ hai - 06/10/2014 00:00 110 0
Để góp phần xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng Đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (giai đoạn 2010- 2015) nhằm góp phần tạo tiền đề xây dựng và hình thành phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho người phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới đất nước theo xu hướng phát triển và hội nhập.

 

 

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2010 (gọi tắt là Đề án 343). Mục tiêu chung của Đề án là nhằm tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo tiêu chí có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức kỹ năng nghề nghiệp; năng động sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu, nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng xã hội; đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Vì sao phải tuyên truyền giáo phẩm chất đạo đức phụ nữ? Trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo thật không đơn giản bởi có nhiều nguyên nhân, nhựng có thể rút ra mấy lý do sau đây: Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế có tác động đến phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Vì trong thời kỳ này hình thành môi trường pháp lý tiến bộ, giúp người phụ nữ thực hiện đầy đủ quyền của mình trong gia đình và ngoài xã hội, từ đó có những cơ hội bình đẳng hơn. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ học tập, giao lưu, tiếp cận được nhiều thông tin, có thêm kiến thức trên nhiều phương diện. Từ đó Phụ nữ có ý thức hơn về giá trị của bản thân mình, nếu như trước đây chỉ biết chăm lo, hy sinh cho gia đình, nay đã biết tự chăm lo cho bản thân minh về mọi phương diện (học tập nâng cao trình độ, tham gia vào các hoạt động của nhà nước xã hội, chính trị….)

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng để lại những tác động tiêu cực: Môi trường cạnh tranh tạo quá nhiều áp lực trong cuộc sống, hạn chế thời gian quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình đối với nhau, khiến cho tình cảm trong gia đình có nguy cơ bị phai nhạt; Sự du nhập của các luồng văn hoá tiêu cực ảnh hưởng tới lối sống của một bộ phận phụ nữ trẻ (sống buông thả, sống thực dụng, sống gấp, sống ích kỷ…)

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước có nêu: “Phụ nữ gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ”.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện hoá đất nước và hội nhập quốc có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì Phụ nữ có vai trò ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, giá trị đạo đức trong mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Thực trạng xã hội cho thấy đạo đức, lối sống trong một bộ phận phụ nữ đang có biểu hiện xuống cấp, cần có sự chủ động định hướng rõ các giá trị đạo đức mới cho người phụ nữ Việt Nam phù hợp với đặc điểm của thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, giúp người phụ nữ có đủ bản lĩnh, sức đề kháng trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI xác định: Đoàn kết, vận động phụ nữ phát huy nội lực, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ…Xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước có sức khoẻ, tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Thực hiện mục tiêu này góp phần thiết thực thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; hưởng ứng hai cuộc vận động : “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”: và phấn đấu rèn luyện các phẩm chất đạo đức” Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”..

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây