Theo ông Ngô Đức Hà- quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Tây Ninh, trước năm 2014 trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở, gồm 2 cơ sở hoạt động trong Khu Chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) là Công ty TNHH hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng và Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu chế xuất cùng 9 bệnh viện, Trung tâm y tế của tỉnh nằm trong danh sách “đen” cần phải khắc phục ô nhiễm nghiêm trọng đến năm 2020.
Bên cạnh nguồn kinh phí của 2 doanh nghiệp tư nhân trong khu chế xuất tự bỏ ra khắc phục ô nhiễm, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư 117 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí) để xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế tại 9 bệnh viện, Trung tâm y tế của các huyện, thành phố trong tỉnh.
Nước thải được xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung ở KCN Trảng Bàng. Ảnh minh hoạ |
Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh, đến nay 2 cơ sở hoạt động trong khu chế xuất Linh Trung III đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, được ngành chức năng xác nhận; 9 Trung tâm y tế, bệnh viện đang hoạt động thử nghiệm. Các hệ thống xử lý nước thải kể trên đều đạt quy chuẩn loại A trước khi xả ra môi trường.
Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 100% Khu công nghiệp, Khu chế xuất, các nhà máy chế biến đường và 94% nhà máy chế biến tinh bột sắn, 91,6% nhà máy chế biến mủ cao su đang hoạt động đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng; các nhà máy còn lại đều phải tạm ngưng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, được ngành chức năng nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận mới được hoạt động trở lại.
Theo BTNO