Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh “Nhà cổ Đốc Phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên"

Thứ hai - 27/02/2017 15:00 85 0
Ngày 03/02/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 213/QĐ-UBND về xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích kiến trúc nghệ thuật “Nhà cổ Đốc Phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên" địa chỉ khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

hinh 2 duong vao nha.JPG

Ngôi nhà cổ.

Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân thành phố Tây Ninh phối hợp với gia đình bà Trần Ngọc Sương thực hiện nhiệm vụ quản lý đối với di tích “Nhà cổ Đốc Phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên" theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Văn Kiên (1854-1914) là người miền Trung vào Nam bộ, từng giữ chức Đốc Phủ sứ - một chức quan lớn thời Pháp thuộc; Ngôi nhà được ông xây dựng để ở và thờ tổ tiên, tồn tại cho đến ngày nay nên thường gọi là: "Nhà cổ Đốc Phủ sứ-Nguyễn Văn Kiên".

Nhà cổ Đốc Phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên tọa lạc tại số nhà 39, đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Ngôi nhà được xây dựng mặt hướng về rạch Tây Ninh

Với lối kiến trúc độc đáo vừa mang nét cổ kính trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã. Đây là lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ XIX - XX của tầng lớp cư dân giàu có, quan lại ở miền Đông Nam bộ nói chung Tây Ninh nói riêng. Ngôi nhà cổ Đốc Phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên nằm giữa lòng thành phố Tây Ninh, được đánh giá là một tuyệt tác kiến trúc cổ hiếm có.

Nhà cổ Đốc Phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên được xây dựng vào năm 1894, rộng 12 m, dài 20 m, gồm một trệt và một gác lửng với nhiều gian phòng cho nhiều thế hệ sinh sống. Từ cột, kèo, vách, gác lửng cho đến bàn thờ được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý, chạm trổ những phù điêu rồng bay, phượng múa. Tổng thể căn nhà được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, cửa ra vào gian chính dù đã bị bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn còn cứng cáp, khít từng khung gỗ ghép vào nhau, ngay phía trên cửa là những bức phù điêu rồng bay, phượng múa, cây cỏ, hoa lá được chạm khắc thủ công một cách kỳ công, tinh xảo. Ngoài 4 cánh cửa ở giữa gian chính căn nhà còn có 8 cánh cửa phụ chia đều 2 bên khiến ngôi nhà càng khang trang rộng rãi. Ở gian phòng khách, nổi bật nhất trong ngôi nhà là hai hàng câu đối bằng chữ Hán được chạm trổ tinh vi, chính giữa gian nhà là bàn thờ Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Kiên được bố trí uy nghiêm, nhiều vật dụng cổ được trưng bày trên bàn thờ. Phía trước bàn thờ Đốc Phủ sứ là bộ bát bửu (8 loại binh khí thời xưa hay dùng trang trí).

Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có giá trị, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, họa tiết trang trí.

                                                                                       KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây