Chúng đến đây tìm cách móc nối để đưa hàng lậu, thậm chí hàng cấm (ma tuý, vũ khí) từ Campuchia về rồi đưa xuống thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, hoặc ngược lại chúng câu móc đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia đánh bạc, hay đưa phụ nữ ra nước ngoài để bán. Để chủ động ngăn ngừa tội phạm trên địa bàn, nhất là tội phạm buôn bán người, căn cứ vào chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm Phòng Tư pháp huyện Gò Dầu xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện năm 2014 (Kế hoạch số 05/KH-PTP ngày 07/4/2014).
Trên cơ sở kế hoạch chung của huyện, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2014 triển khai thực hiệntại địa bàn xã, thị trấn, trong đó xã Thạnh Đức là một trong những đơn vị triển khai thực hiện tốt chương trình này.
Kế hoạch thực hiện được triển khai nhằm mục đích tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên trong phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để kéo giảm loại tội phạm này, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người; phát huy vai trò nòng cốt của tổ tuyên tuyền viên pháp luật xã trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị bọn tội phạm lợi dụng để lôi kéo là trẻ em gái, phụ nữ.
Yêu cầu của việc thực hiện kế hoạch là phải đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực, tránh thực hiện chiếu lệ, phô trương, lãng phí; phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua hình thức như: các hội nghị, lớp tập huấn; tuyên truyền qua phương tiện truyền thanh của Đài Truyền thanh xã và các cụm truyền thanh ấp; cấp phát tài liệu tuyên truyền là sổ tay, tờ gấp, đề cương tuyên truyền, băng, đĩa….
Bằng nhiều hình thức phong phú, xã Thạnh Đức chú trọng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm vào các đối tượng là cán bộ, công chức, đảng viên và tất cả các đối tượng, thành phần trong xã hội, đặc biệt cần phối hợp thực hiện có hiệu quả cho các đối tượng là phụ nữ, v.v... tùy từng đối tượng mà lựa chọn nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục phù hợp với các nội dung chủ yếu như: Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 của UBND huyện; Kế hoạch số 05/KH-PTP ngày 07/4/2014 của Phòng tư pháp huyện Gò Dầu về việc thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện năm 2014; chương trình mục tiêu 04 giảm của huyện; Luật Phòng, chống mua bán người; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chuyển tải đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân trong xã các văn bản có liên quan như: Bộ luật Hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.v.v…
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và ý thức cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người của người dân; Chú ý tuyên truyền lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và các chương trình, đề án tuyên truyền pháp luật đến người dân nông thôn do Sở Tư pháp chủ trì đang triển khai thực hiện.
Trong thời gian qua, UBND xã Thạnh Đức đã đề ra nhiều biện pháp hữu hiệu để thực hiện kế hoạch như: Triển khai pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người cho cán bộ, công chức trong sinh hoạt cơ quan; Chủ động phối hợp với Đài Truyền thanh xã và các cụm truyền thanh ấp xây dựng các chuyên mục, đưa tin bài trong chương trình phát sóng để kịp thời thông tin rộng rãi các quy định của pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người cho cán bộ và nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống mua bán người lồng ghép trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Tăng cường phối hợp với công an huyện xác minh, làm rõ, xử lý các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn mua bán người qua con đường kết hôn, nhận nuôi con nuôi, xuất khẩu lao động…Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Thạnh Đức chưa xảy ra trường hợp mua bán người nào.
Thái Phong