Xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu): Thêm 2 công trình làm lợi cho dân

Chủ nhật - 09/09/2012 00:00 66 0
Ông Võ Đông Sơ - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức (Gò Dầu) cho biết, được cấp trên đầu tư kinh phí, vừa qua trên địa bàn xã Thạnh Đức đã hoàn thành 2 công trình phục vụ dân sinh. Đó là công trình nạo vét kênh tiêu Rạch Nhọc và công trình tiêu thoát nước cho các vùng ngập úng thuộc ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức.

             Hồi sinh cánh đồng Rạch Nhọc

Cánh đồng Rạch Nhọc thuộc ấp Rộc A, xã Thạnh Đức rộng khoảng 200 ha, là cánh đồng trũng nằm ven con rạch Nhọc (phụ lưu sông Vàm Cỏ Đông). Trước khi có công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, cánh đồng này mỗi năm sản xuất được một vụ lúa mùa. Nhưng từ khi có hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, cánh đồng Rạch Nhọc là một túi chứa nước. Nước từ các kênh mương phía trên đổ dồn về, trong khi đó rạch Nhọc vừa cạn, vừa nhỏ hẹp không tiêu thoát nước được. Từ đó làm cho cánh đồng Rạch Nhọc ngập nước triền miên, nông dân ở đây không sản xuất được nữa. Hàng chục năm qua toàn cánh đồng Rạch Nhọc trở nên hoang hoá. Ruộng ở đây nổi sình, nổi trấp, cỏ dại mọc um tùm. Trước tình cảnh đó, bà con cử tri và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cho tiến hành nạo vét Rạch Nhọc. Đáp ứng nguyện vọng cử tri, đến giữa tháng 2.2012, công trình nạo vét kênh tiêu Rạch Nhọc (do UBND huyện Gò Dầu làm chủ đầu tư) được khởi công. Đây là công trình thuỷ lợi cấp 4, có tổng chiều dài 1.566m, tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí đền bù trên 1,237 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 689 triệu đồng. Đến nay công trình này đã hoàn thành, nước ở cánh đồng Rạch Nhọc đã được tiêu thoát.

Kênh tiêu Rạch Nhọc vừa được nạo vét, nước thoát dễ dàng

Đứng trên một bãi cỏ dại um tùm, ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1966) ở ấp Rộc A vui vẻ cho biết: Nhà ông có 1 mẫu ruộng ở cánh đồng Rạch Nhọc này. Cũng như nhiều bà con ở đây, hơn 20 năm qua, ruộng của ông bị ngập úng và bỏ hoang. Ngay chỗ ông đứng trước đây nước ngập lên cả mét. Từ khi Nhà nước cho nạo vét kênh tiêu Rạch Nhọc, ruộng của ông và toàn cánh đồng này đã thoát được nước. Để nước thoát nhanh hơn, ông Bằng đã chủ động làm một con mương dài 50 mét từ trong ruộng của ông ra kênh tiêu Rạch Nhọc. Vụ Đông Xuân 2012-2013 tới đây, ông Bằng sẽ tiến hành dọn cỏ, làm đất để sạ lúa.

Ông Nguyễn Văn Nương- Trưởng ấp Rộc A cho biết: Không riêng gia đình ông Bằng mà hơn 100 hộ dân có ruộng trên cánh đồng Rạch Nhọc rất phấn khởi. Công trình nạo vét kênh tiêu Rạch Nhọc phục vụ nhân dân, lại có đền bù cho những người bị mất đất khi nạo vét kênh nên tất cả những người có ruộng ở cánh đồng Rạch Nhọc, kể cả những người bị mất đi một phần đất sau khi nạo vét kênh cũng rất đồng tình và phấn khởi. Vụ Đông Xuân 2012-2013 tới đây, bà con ở đây sẽ tập trung dọn đất để đưa vào sản xuất. Nhà máy đường Bourbon cũng đã đến khảo sát. Một số nông dân có ruộng triền gò ở đây sẽ trồng mía, ruộng sâu hơn thì trồng lúa. Vậy là sau hơn 20 năm hoang hoá, cánh đồng Rạch Nhọc bắt đầu hồi sinh.

Công trình tiêu thoát nước cho các vùng ngập úng thuộc ấp Bông Trang:

Theo lãnh đạo UBND xã Thạnh Đức, trên quốc lộ 22B đoạn qua ấp Bông Trang có một cống thoát nước (thường gọi là cống Thầy Hù). Phía dưới cống này là một con mương thoát nước ra sông Vàm Cỏ Đông. Mương này vừa nhỏ, vừa cạn, lại được làm từ rất lâu nên cây cối mọc um tùm làm cản dòng chảy. Mỗi khi có mưa to, nước từ các cánh đồng ở phía bên trên đổ dồn về cống Thấy Hù. Do lượng nước từ phía trên đổ dồn về nhiều, mương thoát thì nhỏ hẹp lại có nhiều vật cản nên nước tràn vào nhà dân, gây thiệt hại về nhà cửa cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra cũng do không có đường thoát nước ra sông Vàm Cỏ Đông, khoảng 100 ha ruộng ở đây thường xuyên bị ngập úng cục bộ, làm ảnh hưởng lớn đến quá trình canh tác nông nghiệp của nông dân. Qua kiến nghị của cử tri và của chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp trên đã đầu tư làm công trình tiêu thoát nước cho các vùng ngập úng thuộc ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức. Đây là công trình thuỷ lợi cấp 4, do UBND huyện Gò Dầu làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ giữa tháng 11.2011, đến nay đã hoàn thành.

Công trình này dài 1.798 mét, nối từ cống Thầy Hù ra đến sông Vàm Cỏ Đông, trong đó có một đoạn được bê tông hoá dài 482 mét, phần còn lại kênh đất. Tổng mức đầu tư công trình này là trên 4,2 tỷ đồng. Trong đó chi xây dựng là 2,7 tỷ, chi phí đền bù giải toả là 1,24 tỷ đồng.

Công trình thuỷ lợi này giúp cho việc tiêu thoát nước ở cống Thầy Hù được nhanh chóng, không còn cảnh nước tràn ngập nhà dân, tránh được tình trạng ngập úng cục bộ của hàng trăm ha ruộng lúa nên người dân địa phương rất phấn khởi.

 

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây