Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở từ phong trào quần chúng

Thứ tư - 24/09/2014 00:00 49 0
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là nền tảng để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báo của dân tộc, là tiền đề cho sự hình thành nhân cách, phát huy lối sống, đạo đức tốt của mỗi con người. Ðây cũng là một trong những nội dung đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

 

Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể  đặc biệt quan tâm. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ quần chúng, thông tin tuyên truyền luôn hướng về cơ sở và đã đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều dự án lớn về lĩnh vực văn hóa được đưa vào đầu tư và tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hiện nay, cả nước đang hướng về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí về văn hóa và xây dựng cơ sở vật chất văn hóa càng được quan tâm, hệ thống các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, câu lạc bộ, trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng... đã và đang được đầu tư, xây dựng rộng khắp làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hầu hết các địa phương đều tích cực tham gia hoạt động văn hóa, nhân dân được đọc sách báo, nghe đài, xem biểu diễn nghệ thuật,... Các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa đã tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa và cuốn hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Cùng với mục đích và ý nghĩa của Chương trình nông thôn mới nói chung và mục tiêu về văn hóa nói riêng đã huy động được sự đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, tạo nên sự thay đổi nhanh chóng về đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Đời sống văn hóa được nâng lên tác động đến nhiều lĩnh vực của xã hội, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội, làm giảm đáng kể các tệ nạn xã hội. Thông qua việc xây dựng đời sống văn hóa, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người đã được phát huy tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội.

 Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thân cho các tầng lớp nhân dân.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, chúng ta cần tập trung một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tạo nên sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của phong trào này ở cơ sở, tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế  văn hóa thông tin ở cơ sở, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư.

Đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ những người làm công tác văn hóa cơ sở giỏi chuyên môn, nghiệp vụ để làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng để châm ngòi, khuấy động phong trào. Trong thời đại hiện nay, đòi hỏi trình độ chính trị, năng lực nghiệp vụ chuyên môn ở cán bộ văn hóa cơ sở ngày một nâng cao, do đó cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở mang tính chuyên nghiệp.

Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở, tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở các cấp trong việc phối hợp lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Từ thực tiễn cho thấy, các phong trào quần chúng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng. Do đó, cần phải nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa, tập trung vào chiến lược xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cát Tường

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây