Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh - Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Thứ tư - 03/06/2015 12:00 42 0
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Mặc dù trong những năm qua, ngành nông nghiệp chịu sự tác động và ảnh hưởng lớn của thời tiết khí hậu, giá cả nông sản, con giống, vật tư nông nghiệp tăng giảm bất thường nhưng nhìn chung giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, ứng dụng khoa học công nghệ được mở rộng, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp được ngăn chặn hiệu quả, các mô hình nuôi trồng thủy sản được phát triển và mang lại hiệu quả cao.

Giá trị sản xuất bình quân tăng 5,23%/năm, đạt 95,09% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (5,5%/năm). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 25.018,12 tỷ đồng (tăng bình quân 5,31%/năm), lâm nghiệp 376,4 tỷ đồng (giảm bình quân 0,49%/năm), thủy sản 367,92 tỷ đồng (tăng bình quân 7,16%/năm).

Qua gần 5 năm nỗ lực thực hiện Chương trình, đến nay chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân của người dân nông thôn từng bước được cải thiện, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, dần đi vào hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, còn có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã đồng hành, cùng sát cánh trong phong trào "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới". Cụ thể, tổng nguồn lực huy động trong 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh là: 5.617,549 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách: 2.646,543 tỷ đồng, vốn tín dụng: 2.548,522 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đóng góp: 496,878 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng là: 107,606 tỷ đồng.

Qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất giỏi, xuất hiện nhiều trang trại của nông dân, nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được  nâng cao và nhân rộng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, một số bài học kinh nghiệm quý báu được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đúc kết từ thực tiễn để triển khai trong các giai đoạn tiếp theo của Chương trình, đó là:

 Từ thực tế cho thấy, một số kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua gắn liền với sự quan tâm sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ban Chỉ đạo các cấp trong việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai Chương trình để nắm bắt những khó khăn vướng mắt của cơ sở từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, đặc biệt phát huy vai trò của  Ban Chỉ đạo địa phương.

Công tác tuyên truyền phải đa dạng, nhiều hình thức nội dung phong phú, trên nhiều phương tiện truyền thông phù hợp với cách tiếp nhận thông tin của các tầng lớp nhân dân. Gắn công tác tuyên truyền với các hoạt động thực tiễn để người dân hiểu rõ nguyên tắc dân là chủ thể, để phát huy nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thông tin về các mô hình tiên tiến, các cách làm hay, sáng tạo phải được phổ biến kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để được vận dụng và nhân rộng.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới vì đây là lực lượng hỗ trợ rất lớn cho chính quyền địa phương và nhân dân, đồng thời đây là lực lượng hỗ trợ trực tiếp thực hiện các tiêu chí như: Giao thông nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường dân cư,…đóng góp hiệu quả cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tùy theo đặc điểm và tình hình cụ thể, nhu cầu của người dân, từng địa phương chủ động chọn tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, huy động nguồn lực trong nhân dân theo nhiều hình thức: hiến đất, ngày công lao động, vật kiến trúc, hoa màu, cải tạo nâng cấp nhà ở…tích cực vận động các doanh nghiệp trên địa bàn xã hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới.

Đội ngũ tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả tham mưu cho cấp trên trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình.

Việc bố trí ngân sách trong xây dựng nông thôn mới phải tập trung, không dàn trải, ban hành cơ chế đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự tham gia của người dân.

Mục tiêu cuối cùng của  xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho người dân. Vì vậy, việc xác định lợi thế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đạt được tính đồng bộ, trong đó việc củng cố và phát triển kinh tế tập thể là điều kiện để hình thành các mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả, bền vững.

                                                                                                                                    Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây