![]() |
|
|
Trong 19 tiêu chí, tiêu chí thứ 10 (về thu nhập), qua một thời gian thực hiện ở Tây Ninh nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự điều chỉnh. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nếu tính chung cả nước thì xã NTM phải có thu nhập thì bình quân đầu người đạt 1,4 lần mức bình quân cả nước. Nếu tính riêng từng vùng thì vùng trung du miền núi phía Bắc có chỉ tiêu thấp nhất là 1,2 và vùng Đông Nam bộ chỉ tiêu cao nhất là đạt 1,5 lần mức bình quân cả tỉnh. Riêng ở Tây Ninh, qua khảo sát thực tế hầu như tất cả các xã nông thôn đều gặp khó khăn về tiêu chí này. Bởi thực tế mức thu nhập của xã nông thôn không thể cao bằng mức thu nhập của người dân thành thị, do đó thu nhập bình quân cũng luôn thấp hơn mức bình quân chung cả tỉnh. Có xã nhìn vào thấy cây cao su phát triển nhiều, không ít người nghĩ rằng thu nhập bình quân của xã cao. Nhưng thực tế hầu hết cao su là của những hộ ngoài xã, nên nếu tính thực chất thì thu nhập bình quân đầu người của chính dân trong xã không cao. Với thực trạng như hiện nay, xã nông thôn muốn đạt bằng mức bình quân chung cả tỉnh đã là khó đừng nói chi đến việc phải đạt gấp 1,5 lần.
Từ thực trạng như vậy, Ban chỉ đạo xây dựng NTM Tây Ninh cùng nhiều địa phương khác trong cả nước đề xuất trung ương điều chỉnh chỉ tiêu quy định về tiêu chí thu nhập cùng một số tiêu chí khác để việc vận dụng khả thi hơn. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí 10 về thu nhập. Theo đề xuất của Bộ thì tiêu chí về thu nhập không quy định theo số lần cao hơn so với mức bình quân chung của cả tỉnh mà quy định theo con số tuyệt đối. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề xuất chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người xã NTM chung cả nước là đạt 22 triệu đồng/năm, trong đó các địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc quy định chỉ tiêu thấp nhất là 20 triệu đồng/năm và vùng Đông Nam bộ quy định chỉ tiêu cao nhất là 24 triệu đồng/năm. Đề xuất của Bộ NN&PTNT được các địa phương đồng tình vì với mức quy định theo con số thu nhập tuyệt đối như vậy các xã nông thôn mới có thể phấn đấu đạt được.
Như vậy, khó khăn về mức quy định về tiêu chí thu nhập đã có hướng tháo gỡ. Thế nhưng hiện nay lại gặp khó khăn khác về cách đánh giá mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn. Trước đây, có không ít địa phương không biết tính thu nhập bình quân đầu người như thế nào cho chính xác. Trong đó cũng có người hiểu nhầm thu nhập bình quân là GDP bình quân đầu người. Từ tháng 8 năm 2009 Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư hướng dẫn số 54/2009/TT-BNNPTNT, trong đó có nêu cụ thể về thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, “thu nhập bình quân đầu người/năm là tổng thu nhập của hộ chia đều cho các thành viên trong gia đình. Thu nhập của hộ gia đình bao gồm toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong thời gian 1 năm”. Thế nhưng thực tế việc hiểu thu nhập là chuyện đơn giản còn tính thu nhập lại không đơn giản chút nào. Bởi vì ở mỗi gia đình có nhiều khoản thu nhập từ cá nhân như tiền công ngày, tiền lương tháng; đồng thời cũng có nhiều khoản thu nhập của cả gia đình như thu từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, thu từ các khoản khác được tính vào thu nhập... Như vậy để xác định chính xác số thu nhập của cả hộ để chia bình quân cho từng thành viên trong gia đình không phải là chuyện dễ dàng.
Ngoài ra, theo ngành Thống kê thì cách điều tra để xác định mức thu nhập bình quân đầu người ở các xã cũng đang là vấn đề bất cập. Theo thông tư hướng dẫn thì mức thu nhập bình quân đầu người trong năm do xã tự điều tra theo mẫu điều tra thu nhập hộ gia đình của Tổng cục Thống kê. Thế nhưng thực tế, mẫu điều tra này rất phức tạp, gồm hàng chục trang giấy, trong đó có nhiều biểu mẫu. Theo Cục Thống kê tỉnh cho biết thì đội điều tra chuyên nghiệp của Cục thực hiện mẫu điều tra này cũng gặp nhiều phức tạp, có khi phải đến cả ngày mới hoàn thành xong 1 hộ gia đình. Như vậy làm sao số cán bộ ít ỏi và thiếu chuyên nghiệp của xã có thể tự điều tra đầy đủ và chính xác được?
Để có thể thực hiện được công việc điều tra về thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn và để kết quả điều tra tương đối chính xác, cần có mẫu điều tra đơn giản hơn để cán bộ cấp xã có thể tự thực hiện điều tra được theo như thông tư hướng dẫn. Còn nếu như vẫn tiếp tục áp dụng mẫu điều tra như hiện tại thì phải có cán bộ điều tra chuyên nghiệp của ngành Thống kê mới có thể thực hiện chính xác được.
(Theo BTNO)
Ý kiến bạn đọc