Xuất hiện loài cò nhạn trong hồ Dầu Tiếng

Thứ ba - 07/08/2012 00:00 285 0
Hơn một tuần qua, nhiều người dân ở hồ Dầu Tiếng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một đàn chim lạ bay về các đảo trong hồ Dầu Tiếng kiếm ăn.

Hàng trăm con cò nhạn bay về hồ Dầu Tiếng

           Chiều 6.8.2012, ông Đáp- người hành nghề đưa đò từ đất liền qua đảo Nhím - dùng chiếc vỏ lãi chở chúng tôi đi dọc theo các đảo trong lòng hồ Dầu Tiếng. Tại một bãi đất bán ngập ở bến Quỷnh, Hốc Cò, chúng tôi thấy có một đàn chim lạ khoảng 300 con đang tìm thức ăn dưới mé nước. Các cá thể này đều có thân hình cao lớn hơn con cò, mỏ to, màu xám, chân hồng, toàn thân trắng, lông cánh và đuôi màu đen, ước tính mỗi con nặng khoảng 1,5kg.   

 

Theo lời ông Đáp, đây là lần đầu tiên ông thấy loài chim này về đây kiếm ăn. Khoảng mười ngày trước đàn chim này về với số lượng vài chục con. Vài ngày, chúng bay đi đâu mất, hai ba ngày nay chúng trở lại với số lượng đông hơn. Sáng sớm, chúng kéo ra các bãi đất bán ngập mò thức ăn. Khi mặt trời lên cao thì bay đi mất. Buổi chiều, tầm 16 giờ, chúng trở lại mé nước tìm thức ăn. Đến sẩm tối, chúng bay về những cánh rừng tràm phía huyện Tân Châu.  

Cò nhạn kiếm ăn tại bến Quỷnh

 

Chúng tôi chụp một vài tấm ảnh rồi cùng ông Đáp trở về bờ hồ Dầu Tiếng. Ở một quán giải khát trên hồ, chúng tôi nghe một người dân làm nghề đánh cá trong lòng hồ kể rằng: vừa qua có một người dân địa phương dùng thuốc độc tẩm vào cá nhỏ, rải trên các bãi cỏ, nhử cho loài chim lạ này ăn. May mắn là đàn chim này cảnh giác không ăn cá chết nên không trúng thuốc. Không dụ được đàn chim, người dân này bèn chuyển sang dùng ná (nạng thun) bắn chết một con. Những người dân làm nghề chài lưới và đưa đò trong hồ Dầu Tiếng đều bày tỏ mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp để bảo vệ loài chim lạ này, không để xảy ra tình trạng săn bắn chim như thế.

Chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những ai cố tình săn bắn loài chim quý hiếm này.

 

Chúng tôi đem những tấm hình chụp loài chim này về nhờ anh Nguyễn Thanh Tùng- cán bộ Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát tư vấn. Sau khi quan sát những đặc điểm, anh Tùng cho biết đây là loài cò nhạn (hay còn gọi là cò ốc), thuộc họ hạc (Ciconiidae). Môi trường sống của chúng thường là ở các vùng đất ngập nước như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa. Thức ăn chủ yếu là ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua, côn trùng lớn. Cò nhạn làm tổ tập đoàn cùng một số loài khác như cò, diệc, cò quăm. Chúng thường đẻ 4 trứng, ấp từ 27- 30 ngày. Ở nước ta, cò nhạn được tìm thấy làm tổ sân chim Đầm Dơi và Cái Nước (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang) và còn được tìm thấy ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh). Cò nhạn được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, bậc R (hiếm). Anh Tùng cho biết thêm: “Từ nhiều năm nay, cứ vào khoảng tháng 8 hằng năm là cò nhạn từ miền Tây di cư về Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát sinh sống. Năm 2011 vừa qua, ước tính có khoảng 500 con cò nhạn về Vườn quốc gia. Việc chúng đến các đảo trong hồ Dầu Tiếng kiếm ăn chứng tỏ môi trường sinh thái ở đó tốt. Tuy nhiên, cần cảnh báo nạn săn bắt bừa bãi để bảo vệ loài chim quý hiếm này".

 (Theo BTNO)

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây