Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có lãnh đạo Sở Công thương cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Theo báo cáo, quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có IIP quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã báo cáo những khó khăn chủ yếu như: Nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số doanh nghiệp giải thể tăng; các dự án điện gặp khó khăn… Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chỉ số hàng tồn kho. Bộ xem xét kiến nghị vấn đề vốn sản xuất và lãi suất ngân hàng, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành Công Thương các địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trọng điểm; Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu.
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng. Cùng với đó, đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.
ML