Vừa qua, tại văn bản góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), 13 Hiệp hội ngành nghề gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM đã đề xuất giảm mức đóng BHXH.
Cụ thể, các hiệp hội cho rằng tỉ lệ đóng BHXH tại Việt Nam hiện khá cao, tổng mức đóng của cả doanh nghiệp (đóng 21,5%) và người lao động (đóng 10,5%) lên tới 32% (gồm 22% đóng vào Quỹ Hưu trí- tử tuất; 3% vào Quỹ Ốm đau thai sản và 0,5% vào Quỹ Tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp); Quỹ BHYT là 4,5%, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 2%). Với tỉ lệ đóng như trên và lương tối thiểu vùng điều chỉnh hàng năm, tổng mức đóng vào Quỹ BHXH năm 2022 đã cao gấp 10 lần so với năm 2007. Đồng thời, nếu so sánh với các nước thì Malaysia chỉ đóng 16,5%, Ấn Độ thấp hơn là 15,25%, tiếp đến là Indonesia (10,26%), Thái Lan (5%).
Mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động sẽ thấp hơn nếu giảm tỉ lệ đóng BHXH.
Các hiệp hội đề xuất giảm mức đóng các khoản bảo hiểm từ 32% xuống còn 24%. Trong đó, mức đóng BHXH giảm từ 25,5% còn 20% (người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động là 15%); BHYT từ 4,5 % còn 3% (người lao động 1% và người sử dụng lao động 2%); Bảo hiểm thất nghiệp 2% còn 1% (người lao động 0,5% và người sử dụng lao động 0,5%),
Ông Nguyễn Duy Cường, phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng đề xuất của các hiệp hội không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn hiện nay của Việt Nam. Nước ta có tỉ lệ đóng BHXH cao so với một số nước trong khu vực, song tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, tương ứng 30 năm tham gia BHXH với nữ và 35 năm với nam, cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Như vậy, tỉ lệ tích lũy cho mỗi năm đóng BHXH khoảng 2,14% với nam và 2,5% với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ được tính 1% và bình quân của thế giới là 1,7%.
Mức đóng BHXH thấp khiến lương hưu của người lao động thấp.
Theo nguyên tắc thì tỉ lệ đóng cao sẽ hưởng cao, nhưng lương hưu thực tế của người lao động ở nước ta lại thấp, bình quân hiện chỉ đạt 5,4 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân là dù pháp luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Song nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH, dẫn đến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp và lương hưu thấp.
Theo ông Cường, nếu giảm tỉ lệ đóng BHXH đồng nghĩa với việc phải giảm tỉ lệ hưởng, khiến mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động sẽ thấp hơn so với mức hưởng hiện hành. Khi đó mức lương hưu cũng sẽ thấp hơn, không đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cũng không đồng tình với đề xuất giảm tỉ lệ đóng BHXH của các hiệp hội. Theo ông Triều, hiện nay tình trạng người sự dụng lao động "lách luật" chia nhỏ lương thành nhiều khoản để né đóng BHXH dẫn đến mức lương căn cứ đóng BHXH của người lao động không đúng mức lương thực tế đang diễn ra rất phổ biến, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Nếu thực hiện giảm tỉ lệ đóng thì phải đảm bảo mức đóng BHXH là 100% thu nhập thực tế của người lao động. Tuy nhiên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này chỉ hướng đến căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
"Trong bối cảnh chưa thể thực hiện việc đóng BHXH đúng với thu nhập thực tế của người lao động thì không nên giảm tỉ lệ đóng BHXH vì sẽ khiến quyền lợi của người lao động bị sụt giảm"- ông Triều nhấn mạnh.
Nguồn NLDO