Đẩy mạnh Ngoại giao kinh tế

Thứ ba - 02/04/2024 09:09 80 0
Chiều 02/04/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu Ngoại giao kinh tế của Việt Nam phải được thực hiện trên tinh thần “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển. Cụ thể: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa tiềm lực đất nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, tạo động lực phát triển từ đổi mới tư duy, hành động; kết hợp chặt chẽ nội lực và ngoại lực, sức mạnh nhân dân, doanh nghiệp; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, các đối tác kinh tế của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2023, công tác ngoại giao kinh tế được các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, với 30 đối tác chiến lược, 7 đối tác chiến lực toàn diện, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế - xã hội được đẩy mạnh. Cơ chế phối hợp trong triển khai Ngoại giao kinh tế được đổi mới. Đồng thời tập trung tháo gỡ các cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp trong công tác phối hợp thương mại, kinh tế.

Tại Hội nghị, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã thông tin về tình hình thị trường, nhu cầu tiêu dùng và cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét và có chính sách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện tại; đẩy nhanh quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư; thúc đẩy ngoại giao, thu hút các dự án đầu tư lớn và nâng cao chất lượng hàng hóa, lao động theo yêu cầu của các thị trường đối tác.

Thủ tướng chính phủ phát biểu tại hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định tình hình thế giới còn đang thay đổi nhanh chóng, khó lường. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp thực tế, nguồn lực đất nước, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để tạo động lực phát triển mới. Trong phát triển Ngoại giao kinh tế phải tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: công tác đối ngoại ở các cấp phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; đổi mới các động lực kinh tế truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng gắn với phát huy động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực mới, mang tính đột phá như công nghệ bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo (AI),...; khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, chú trọng các thị trường tiềm năng như UAE, Trung Đông, Châu Phi,...; huy động nguồn lực, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài tham gia phát triển đất nước.

Việt Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây