Hiệu quả từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ hai - 31/03/2025 19:09 89 0
Chiều ngày 31/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị báo cáo tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và đồng chí Mai Văn Chính – Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh  - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp tại điểm cầu Tây Ninh.

Các đồng chí chủ trì Phiên họp tại diểm cầu Tây Ninh

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị, trong thời gian qua, công tác  triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Giảm nghèo bền vững; Chương trình Nông thôn mới) được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đến hết tháng 3/2025, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã. Có 307 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 29 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 1,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2025 của 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia được Quốc hội thông qua là hơn 53.000 tỷ đồng. Đến nay, giao vốn đạt 57%. Về kết quả giải ngân, đối với vốn đầu tư công đến ngày 31/3 ước đạt 14,21%; đối với kinh phí chi thường xuyên, kết quả giải ngân đến hết tháng 2, đạt 1,8%.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Tại Tây Ninh, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành theo kế hoạch trên cả 03 chương trình, mang lại hiệu quả tích cực, điều kiện về kinh tế - xã hội, đời sống người dân đã được nâng cao.

Trong giai đoạn 2021-2025, đã dành hơn 3.600 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG (gồm 764 tỷ đồng từ Ngân sách Trung ương và 2.875 tỷ đồng ngân sách địa phương); ước đã giải ngân hơn 3.540 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.

Trong đó, Số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS năm 2025 giảm 22/56 hộ so với năm 2021 (hoàn thành mục tiêu được giao). 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh,… Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện; Tỷ lệ học sinh được đến trường ở các cấp đạt trên 95%; tỷ lệ đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe được nâng cao, đặc biệt chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai và dinh dưỡng cho trẻ em. Các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển; 85,2% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; các phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; an ninh chính trị, trật teuj an toàn xã hội trong đồng bào được giữ vững, khối đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường.

Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh triển khai thực hiện đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế đủ điều kiện được tham gia dự án, được hỗ trợ sinh kế, từ đó giúp họ có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh Tây Ninh đến cuối năm 2024 còn 0,45%; trước 30/4/2025, tỉnh quyết tâm hoàn thành 172 căn nhà cho hộ gia đình chính sách, nhà tạm, nhà dột nát; triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình, trong năm 2025, xoá 100% hộ nghèo theo chuẩn Trung ương (gồm 335 hộ), đạt mục tiêu Tây Ninh không còn hộ nghèo.Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng do hiệu quả của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mang lại. Các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời; ngoài các chính sách của trung ương hỗ trợ, tỉnh còn thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo không khả năng thoát nghèo và chính sách hỗ trợ BHYT, giáo dục, trợ giúp pháp lý.

Toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 26/72 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được quan tâm đầu tư (giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, ...) làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đúng định hướng, có sự chuyển biến tích cực từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể Nhân dân, người dân từng bước nhận thức về ý nghĩa, mục đích của Chương trình và vai trò chủ thể của mình. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các tổ chức, người nông dân thực hiện cho hiệu quả cao.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình MTQG.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, 3 chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân, cũng như phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, bảo đảm hoàn thành cao nhất các mục tiêu đặt ra. Trong đó, khẩn trương đôn đốc, kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại các cấp, bảo đảm quá trình triển khai thực hiện các chương trình được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội giao.

Việt Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây