Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ: triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chủ nhật - 05/05/2024 15:39 830 0
Sáng ngày 05/5/2024, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3, công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; đồng chí Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng; đồng chí Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là Phó Chủ tịch, ủy viên Hội đồng điều phối vùng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Toàn cảnh Hội nghị

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024. Trong đó, ranh giới quy hoạch gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và các vùng biển ven bờ của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại; cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nôi nội vùng, liên vùng và khu vực, đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; tình trạng ô nhiêm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc; thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển nâng tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ về y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc, đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định và hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050 cho các địa phương

Các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 8 -9%/năm (trong đó Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng khoảng 8,5-9%/năm), GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 -420 triệu đồng, tương đương 14.500 – 15.000USD; phấn đấu đến giai đoạn 2031 -2025, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 54.000USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 -75%, 100% xã đạt chuẩn nông thốm mới. Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chính chỉ đạt 40 -45%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; phấn đấu đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 10.000 dân, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95%. Hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng và liên vùng, bao gồm khoảng 850 km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa; phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu,...

Trên cơ sở mục tiêu phát triển, trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra những những giải pháp, phương hướng triển khai theo từng giai đoạn trên cơ sở phát triển và tổ chức không gian phát triển các ngành có lợi thế của vùng; phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; xây dựng, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng và vùng sản xuất tập trung; phát triển kết hạ tầng vùng; định hướng bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng; khai thác, bảo vệ tài nguyên nước; hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền; đảm bảo quốc phòng, an ninh,...

Thay mặt cơ quan lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ, tập trung nhóm chính sách thuộc 5 ngành, lĩnh vực: nhóm chính sách về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực; nhóm chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhóm chính sách về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển; nhóm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nhóm chính sách về đất đai và xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ đã nỗ lực, trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ nhận định kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; là vùng kinh tế năng động, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và phát triển. Tính từ đầu năm đến nay, thu ngân sách của vùng chiếm gần 36%, xuất khẩu chiếm 45,5%, thu hút FDI chiếm 37,4% trên cả nước. Đây là đóng góp rất lớn khi diện tích của vùng chỉ 7,1% diện tích cả nước. Việc phát triển hạ tầng đạt nhiều kết quả rõ nét: tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến cao tốc; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được đẩy nhanh.

Để việc triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng. Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng và Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển, ngoài các dự án đã triển khai là các dự án hạ tầng giao thông mới như cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, hạ tầng đường sắt, đường thủy. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là nhân lực bán dẫn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Chú trọng công tác truyền thông; phát triển văn hóa, xã hội, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống lành mạnh cho người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư; tăng cường các hoạt động liên kết vùng Đông Nam bộ, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistic, dịch vụ chất lượng cao.

Lạc Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây