Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

Thứ tư - 15/11/2023 11:23 303 0
Sáng 15/11, Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Anh Minh đồng chủ trì, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực toàn Ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Việc phục hồi, phát triển du lịch từ đầu năm 2023 đến nay đạt được một số kết quả tích cực.

Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10/2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng với đó, Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng động doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương với những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, cho thấy quyết tâm cao phát triển đột phá ngành du lịch, dưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Thủ tướng mong rằng trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", trong đó tập trung: Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây