Đẩy mạnh tuyên truyền Hiến pháp sửa đổi

Thứ ba - 31/12/2013 00:00 157 0
Hiến pháp sửa đổi đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách với các ngành, các cấp trong việc tổ chức thi hành để đạo luật gốc đi vào cuộc sống và phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

 

 

Ngay sau khi Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua, điều mà cử tri cả nước quan tâm là làm sao để hiện thực hoá các quy định của Hiến Pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, để Hiến pháp mới sớm đi vào cuộc sống thì việc sớm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết. Trước mắt các bộ, ngành cần khẩn trương tiến hành rà soát hệ thống pháp luật; trên cơ sở rà soát, xây dựng chương trình xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan Nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của Hiến pháp sửa đổi đến việc hoàn thiện pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để đảm bảo thực thi.

Để đảm bảo việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đồng bộ, thống hất, hiệu quả, tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vừa qua, các đại biểu cũng thống nhất ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý mục đích của Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp ngoài yêu cầu về mặt tuyên truyền còn nhằm xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Kế hoạch này còn nhằm rà soát, kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cho phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp, Kế hoạch còn có các nhóm công việc như tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tổ chức cơ quan đầu mối để chỉ đạo, điều hoà, phối hợp, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thi hành Hiến pháp. Thành phần của Ban Chỉ đạo cần có các thành viên của các cơ quan Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước…do một Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã nghe báo cáo về sự tham gia của Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và đề xuất một số biện pháp triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013 thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra là phải chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các biện pháp thực thi Hiến pháp. Đặc biệt cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề xuất một số biện pháp triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi thuộc trách nhiệm của Chính phủ như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 từ Trung ương đến địa phương; tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 thuộc trách nhiệm trình của Chính phủ; tổ chức xây dựng các dự án luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm của Chính phủ theo sự phân công của Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thủ tướng nhấn mạnh: Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua là đạo luật cơ bản của đất nước, nhiệm vụ đặt ra là phải chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp liên quan đến tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp.Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Nhật Quang

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây