10 điểm nổi bật tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động

Thứ bảy - 15/12/2018 10:00 123 0
Có hiệu lực từ ngày 15/12/2018, Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động. Theo đó, những điểm mới tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP như sau:

1. Người sử dụng lao động được ủy quyền ký hợp đồng lao động

Nghị định số 148/2018/NĐ-CP quy định 05 đối tượng có thể đóng vai trò là người ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) bên phía người sử dụng lao động, thay vì 04 đối tượng như trước đây.

Cụ thể, ngoài người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân; Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động… thì người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền bằng văn bản cũng có thể thực hiện ký HĐLĐ.

2. Không tính trợ cấp thôi việc trong thời gian thử việc 

So với quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, thời gian thử việc đã không còn được tính là thời gian làm việc để nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Thời gian này chỉ còn bao gồm: Thời gian người lao động đã làm việc thực tế; Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản…

3. Phải thanh toán mọi quyền lợi của người lao động trong vòng 7 ngày khi chấm dứt hợp đồng 

Đây là nội dung mới quy định tại Nghị định số 148/2018/NĐ-CP. Theo đó, trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động và người lao động phải thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.

Thời hạn trên có thể kéo dài đến 30 ngày trong các trường hợp đặc biệt như: Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất…

4. Tiền lương ngày nghỉ lễ không căn cứ vào lương tháng trước liền kề

Theo Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong ngày nghỉ hàng năm, lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương theo HĐLĐ (thay vì là tiền lương ghi trong HĐLĐ của tháng trước liền kề theo Nghị định số 05/2015/NĐ-CP) chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của NSDLĐ, nhân với số ngày NLĐ nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

5. Bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ trái luật

Theo đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ trái luật là tiền lương theo HĐLĐ lao đồng tại thời điểm người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

6. Thay đổi trình tự xử lý kỷ luật lao động

Theo Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, việc xử lý kỷ luật lao động sẽ được thực hiện theo một trình tự mới như sau:

- Phát hiện người lao động vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra vi phạm thì người sử dụng lao động phải lập biên bản;

- Phát hiện sau thời điểm xảy ra vi phạm, chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì người sử dụng lao động thông báo tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động; các thành phần tham dự phải xác nhận dự họp trong tối đa 03 ngày, từ ngày nhận được thông báo…

- Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên dự họp;

- Người ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người ra quyết định xử lý kỷ luật.

7. Nội dung hợp đồng lao động:

- Với phần chế độ nâng bậc, nâng lương: Nghị định số 148/2018/NĐ-CP bổ sung trường hợp hai bên giao kết HĐLĐ có thể thỏa thuận thực hiện theo quy chế của người sử dụng lao động (NSDLĐ), thỏa ước lao động tập thể.

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi : Bổ sung trường hợp hai bên có thể thỏa thuận  thực hiện theo nội quy lao động, quy chế của NSDLĐ, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật.

8. Quy định về HĐLĐ với NLĐ cao tuổi

Theo Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thỏa thuận (thay cho cụm từ “thực hiện”) chấm dứt HĐLĐ.

9. Nghĩa vụ của NSDLĐ trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

Nghị định số 148/2018/NĐ-CP quy định việc NSDLĐ thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh về những thay đổi nêu trên cần thực hiện bằng văn bản (có hướng dẫn nội dung chi tiết).    

10. Đăng ký nội quy lao động 

Nghị định số 148/2018/NĐ-CP  không bắt buộc cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thông báo bằng văn bản (chỉ cần thông báo) đến NSDLĐ khi nội quy trái quy định pháp luật.

NN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây