Chính sách nổi bật “về doanh nghiệp” có hiệu lực từ tháng 12/2018

Thứ bảy - 15/12/2018 10:00 74 0
Hướng dẫn xếp lương với công chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước; 27 loại phế liệu tạm ngừng tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu; 3 trường hợp phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất; Quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2018.

Hướng dẫn xếp lương với công chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư  số13/2018/TT-BNV sửa đổi Khoản 8, Mục III, Thông tư số 79/2005/TT-BNV hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc.

Theo đó, người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp (gọi chung là người giữ chức danh quản lý tập đoàn, tổng công ty, công ty) được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật vào làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, nếu thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Các trường hợp còn lại việc xếp lương sẽ được thực hiện như sau:

- Xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương chuyên viên cao cấp đối với người đã có thời gian xếp lương ở ngạch này hoặc người đáp ứng đủ một số điều kiện khác.

- Xếp lương ngạch chuyên viên chính hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương chuyên viên chính nếu đã có thời gian xếp lương ở ngạch này hoặc đáp ứng đủ một số điều kiện khác.

Các trường hợp còn lại được xếp lương ngạch chuyên viên hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên.

Thông tư số 13/2018/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2018.

27 loại phế liệu tạm ngừng tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT ngày 06/11/2018 về Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.

Theo đó, danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu gồm: thạch cao, thạch cao khan, thạch cao plaster đã hoặc chưa nhuộm màu; Xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Xỉ, xỉ luyện kim, vụn xỉ và các phế thải từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Xỉ, tro và cặn có chứa kim loại, asen hoặc các hợp chất của chúng; Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng hoặc các dạng tương tự, các hợp chất hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử; Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; Tơ tằm phế liệu; Phế liệu lông cừu; Lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc thô tái chế; Phế liệu bông; Phế liệu từ sợi nhân tạo.

Ngoài ra, danh mục cũng nêu các loại vải vụn, mẫu dây xe, chão điện, thừng và dây cáp đã qua sử dụng; Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu; Phế liệu và mảnh vụn sắt, đồng, niken, nhôm, vụn kẽm, thiếc, vonfram, molypden, magie, titan… đều không được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong vòng năm tới.

Thông tư số 41/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/12/2018 đến ngày 31/12/2019,  những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày 20/12/2018 được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu.

3 trường hợp phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất

Từ ngày 14/12/2018, việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại cơ sở sản xuất được thực hiện theo Thông tư  số 39/2018/TT-BCT  trong các trường hợp sau:

- Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất khi kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại Điều 8,Điều 9 và Điều 10 Thông tư này chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa hoặc khi có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa.

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp:

+ Trước khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O);

+ Trước khi cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cấp mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

+ Sau khi đã cấp hoặc đã phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

- Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.

Thông tư số 39/2018/TT-BCT  có hiệu lực từ ngày 14/12/2018.

Quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTTTT quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập.

Thông tư số 12/2018/TT-BTTTT quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập, gồm: Mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản (gồm cả bưu thiếp) trong nước; mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản (gồm cả bưu thiếp) từ Việt Nam đi các nước.

Cụ thể, mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản trong nước được quy định như sau:

- Mức giá tối đa đến 20g là: 4.000 đồng

- Trên 20g đến 100g là: 6.000đồng

- Trên 100g đến 250g là 8.000 đồng

- Mỗi 250g tiếp theo đến 2.000g là: 2.000 đồng

Mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước được quy định như sau:

- Mức giá tối đa đến 20g: Vùng 1 là  15.000 đồng, vùng 2 là 19.000 đồng, vùng 3 là 21.000 đồng, vùng 4 là 23.000 đồng

- Trên 20g đến 100g:  Vùng 1 là  37.000 đồng, vùng 2 là 46.000 đồng, vùng 3 là 59.000 đồng, vùng 4 là 63.000 đồng

- Trên 100g đến 250g:  Vùng 1 là  90.000 đồng, vùng 2 là 109.000 đồng, vùng 3 là 140.000 đồng, vùng 4 là 155.000 đồng

- Mỗi 250g tiếp theo đến 2.000g: Vùng 1 là  84.000 đồng, vùng 2 là 115.000 đồng, vùng 3,vùng 4 là 136.000 đồng 

Thông tư số 12/2018/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ 1/12/2018.

NN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây