Chính sách nổi bật “về lao động” có hiệu lực từ tháng 12/2018

Thứ bảy - 15/12/2018 10:00 80 0
Lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội; Học viên lái xe được đào tạo trên thiết bị mô phỏng; Quy định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi với giáo viên trường công lập; Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ; Hướng dẫn các tội vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã... là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 12/2018.

Lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 01/12/2018, đối tượng áp dụng Nghị định số 143/2018/NĐ-CP gồm:

-  Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

-  Người lao động quy định tại điểm 1 không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau: a. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3.2.2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; b. Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

-  Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

-  Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

Theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP , người lao động quy định tại điểm 1 ở trên thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Nghị định quy định rõ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Học viên lái xe được đào tạo trên thiết bị mô phỏng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô.

Theo đó, từ ngày 01/12/2018, Nghị định số 138/2018/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

- Về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện về phòng học Kỹ thuật lái xe phải có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe.

- Về điều kiện xe tập lái, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có xe tập lái các hạng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên.

- Về điều kiện xe sát hạch, xe sát hạch lái xe trong hình hạng A1, B1, B2 và C tối thiểu mỗi hạng 02 xe, các hạng khác tối thiểu mỗi hạng 01 xe và không được sử dụng vào mục đích kinh doanh khác; sát hạch lái xe trên đường tối thiểu mỗi hạng 01 xe. Xe sát hạch lái xe thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân có trung tâm sát hạch lái xe.

- Sân tập lái xe phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe.

- Ngoài cơ sở vật chất kỹ thuật, Nghị định số 138/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi điều kiện về giáo viên. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định; đảm bảo có ít nhất 01 giáo viên dạy thực hành lái xe trên 01 xe tập lái. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, ở các chuyên ngành luật, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật ôtô, lắp ráp ôtô...

Quy định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi với giáo viên trường công lập

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT ngày 25/10/2018 sửa đổi một số Thông tư liên tịch về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Cụ thể, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ngoài được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) như quy định trước đây tại Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, còn có thể được xếp vào các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07).

Giáo viên đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07) thì được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Riêng giáo viên thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07).

Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.

Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng.

Theo đó, mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu, cụ thể:

- Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

- Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH….

Nghị định số 153/2018/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.

Hướng dẫn các tội vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã

Để hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP.
Theo đó, hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm từ 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 234 hoặc Điều 244;

- Hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01/01/2018 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trừ khi tàng trữ nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.

- Hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu.

- Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP  được ban hành ngày 05/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.

NN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây