Với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương, 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội (khoá XIII) thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ ràng đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới hơn 25 năm qua ở Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở đó Hiến pháp sắp xếp lại các điều theo nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân.
Hiếp pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định rõ thời điểm Hiến pháp mới có hiệu lực là từ ngày 01/01/2014; đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quuan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nhằm bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: “Hiến pháp sửa đổi là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện được ý Đảng đồng thuận với lòng dân. Quốc hội đã thay mặt nhân dân cả nước thực hiện sứ mệnh của mình xây dựng, ban hành Hiến pháp mới. Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước”.
Quang Dững