Luật Đất đai 2013 có hiệu lực: Quản trị đất đai minh bạch hơn

Thứ sáu - 04/07/2014 00:00 71 0
Sau thời gian khá dài chờ đợi, từ hôm nay 1/7/2014, Luật Đất đai 2013 cùng các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã chính thức có hiệu lực. Đây là một bước chuyển lớn trong chính sách về đất đai của đất nước.

Luật Đất đai năm 2013 chính thúc có hiệu lực từ 1/7/2014

Nhiều đổi mới quan trọng

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, so với Luật Đất đai 2003, Luật 2013 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng nhằm thể chế hoá quy định Hiến pháp năm 2013 về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, Luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đồng thời, quy định cụ thể quyền của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người dân.

Đặc biệt, Luật cũng tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai thông qua việc thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, Luật đã hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đối với khu vực nông nghiệp nhằm tạo động lực cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua những quy định như nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên tới 50 năm, bổ sung về điều kiện được giao đất cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai trong thời gian vừa qua phần lớn liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Nội dung tố cáo tập trung vào các hành vi cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cửa quyền, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nhằm trục lợi. Để khắc phục vấn đề này, Luật đã công khai, minh bạch toàn bộ quá trình lập, phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi đất và giám sát chặt chẽ việc thu hồi đất. Luật quy định rõ giá đất bồi thường là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Luật cũng quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; tách bạch các khoản bồi thường và các khoản hỗ trợ; đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ, tái định cư tại vị trí thuận lợi cho người gương mẫu trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện hỗ trợ để người có đất bị thu hồi mua suất tái định cư tối thiểu… Song song với đó, Luật cũng có chế tài mạnh để xử lý đối với các trường hợp không sử dụng, chậm tiến độ để khắc phục tình trạng giao, cho thuê tràn lan mà bỏ hoang, không hiệu quả thời gian qua.

Luật Đất đai 2013 còn thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và và nước ngoài. Mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. Cùng với đó, Luật quan tâm hơn đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số qua việc bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, cấp đổi GCN, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất.

Phổ biến pháp luật đất đai: Khâu then chốt của địa phương

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương để triển khai thi hành tại Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2014. Theo đó, Chỉ thị đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan trên các mặt cụ thể: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành Luật Đất đai như triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thi hành Luật Đất đai như: Nghị định, Thông tư, Quyết định; kiện toàn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý, sử dụng đất nhằm đảm bảo thi hành Luật.

Đồng thời tổ chức thực hiện tốt Luật Đất đai, nhất là một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đẩy mạnh việc điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký đất đai, cấp GCN, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; tập trung làm tốt công tác định giá đất.

Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai; triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục Đất đai đã tổ chức 3 Hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Đất đai cho các địa phương trên cả nước tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương tổ chức phổ biến Luật và trả lời những thắc mắc của các cán bộ, công nhân viên.

Theo monre.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây