Đoàn giám sát tiến hành điều tra các hộ dân ở huyện Gò Dầu. |
Những ngày này, nhân viên tại các trạm y tế trên địa bàn các huyện, thành phố đang nỗ lực gấp rút hoàn thành các công đoạn chuẩn bị cho đợt 1 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí cho trẻ. Tại huyện Bến Cầu, theo ghi nhận của đoàn giám sát, sáng ngày 23.10, các trạm y tế đã bắt đầu treo băng-rôn, khẩu hiệu, lịch tiêm… ngay trước cổng.
Công tác điều tra đối tượng, phát hành giấy mời đã được thực hiện đối với các hộ gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Các trạm phối hợp với các ban, ngành xã tuyên truyền liên tục về chiến dịch trên các phương tiện truyền thanh 3 lần/ngày... Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng được tích cực quan tâm.
Theo ghi nhận của đoàn tại địa bàn các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, các trạm y tế đã có kế hoạch phân công, bố trí nhân lực cụ thể cho từng bàn tiêm. Vật tư, hậu cần phục vụ như tủ lạnh, phích vắc xin, nhiệt kế theo dõi vắc xin, hộp gòn, hộp thuốc chống sốc, huyết áp nhi… đều được trang bị cơ bản đầy đủ.
Những trạm y tế còn thiếu bác sĩ hoặc y sĩ phục vụ việc khám sàng lọc trước tiêm đều đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện tăng cường. Các huyện cũng đã có phương án bố trí và công khai cụ thể số điện thoại tại các điểm cấp cứu để dự phòng trường hợp phản ứng sau tiêm.
Tại Trạm y tế xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng), ngày 22.10, khi đoàn giám sát đến làm việc, bác sĩ Võ Thị Hồng Vân- Trưởng trạm cho biết: do địa bàn tập trung các khu công nghiệp nên số lượng trẻ thuộc đối tượng tiêm ngừa trong chiến dịch thường xuyên dao động, nhân viên phụ trách phải cập nhật số liệu liên tục để báo cáo về huyện.
Trong đợt 1 này, toàn xã An Tịnh có 1.855 trẻ cần được tiêm (tăng thêm 2 trẻ so với báo cáo của Trung tâm Y tế huyện), trong đó có 977 trẻ đang học tại các trường mầm non và nhà trẻ tư nhân, 878 trẻ ngoài cộng đồng. Bác sĩ Vân thừa nhận công tác điều tra đối tượng trẻ ngoài cộng đồng chắc chắn còn bỏ sót vì người lao động tại các khu công nghiệp thường xuyên biến động.
Tuy nhiên, trên tinh thần chỉ đạo của ngành cấp trên, trạm sẽ cố gắng khắc phục và tập trung hơn nữa cho công tác truyền thông vận động để người dân, nhất là các hộ gia đình công nhân sắp xếp thời gian đưa con đến trạm tiêm ngừa.
Theo báo cáo của ngành y tế Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có 488 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 33 trường hợp dương tính với virus sởi. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh có xu hướng giảm dần, nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế.
Tuy nhiên, các ca bệnh vẫn xuất hiện rải rác tại các xã, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp tử vong do sởi nhưng nguy cơ rất lớn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, quyết liệt trong công tác dự phòng, cấp cứu và điều trị.
Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí năm 2014 - 2015 cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Bộ Y tế triển khai, dưới sự tài trợ của Tổ chức Liên minh vắc xin toàn cầu. Mục đích của chiến dịch nhằm bảo vệ trẻ khỏi mắc hai bệnh sởi và rubella, tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh tại Việt Nam.
Tại Tây Ninh, chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 27.10.2014 đến tháng 2.2015, chia thành 3 đợt với tổng cộng gần 300.000 trẻ có ngày sinh từ 1.1.2000 đến 31.8.2013, không kể trẻ tạm trú, vãng lai, sống lang thang… Những trẻ trong độ tuổi trên đều được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí, không kể tiền sử được tiêm vắc xin sởi, sởi - rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - rubella (MMR) trước đó được tiêm 1 lần, 2 lần hoặc chưa tiêm lần nào, trừ trường hợp những trẻ mới tiêm vắc xin sởi, hoặc MR hay MMR dưới 1 tháng trước khi triển khai chiến dịch.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh có 190 điểm tiêm chủng tại các trạm y tế, trường học và điểm tiêm cuốn chiếu ngoài trạm. Tổng kinh phí cho chiến dịch hơn 1,5 tỷ đồng.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5, những ngày đi giám sát chuẩn bị cho đợt 1 của chiến dịch, bác sĩ Võ Trung Tuấn- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lưu ý cán bộ, nhân viên các trung tâm y tế và các trạm y tế cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để nắm rõ tình trạng sức khoẻ của trẻ. Trong đợt tiêm lần này, đối tượng chủ yếu là trẻ ngoài cộng đồng và trẻ trong các trường mầm non.
Trước khi tiêm, nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc cần yêu cầu gia đình thông tin đầy đủ những phản ứng sau tiêm trong lần tiêm chủng trước đó của trẻ, tuyệt đối không nên che giấu để tránh xảy ra các trường hợp phản ứng phụ không mong muốn.
Trong điều kiện sức khoẻ của trẻ không bảo đảm, cán bộ y tế nên khuyên gia đình đưa trẻ về. Bởi sau đợt tiêm này, ngành còn tổ chức các đợt tiêm “vét” nhằm đạt mục tiêu hơn 95% trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 14 trên địa bàn tỉnh đều được tiêm vắc xin sởi-rubella.
Theo BTNO