Tiêm vắc xin Sởi-Rubella: Cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi, rubella

Thứ sáu - 24/10/2014 00:00 83 0
Sởi và rubella là những bệnh cấp tính do virus gây nên. Bệnh sởi dễ phát thành dịch và có những biến chứng nguy hiểm. Rubella có thể gây nhiều biến chứng cho thai phụ, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, vì có đến 90% thai nhi sẽ bị dị tật bẩm sinh có thể gây sẩy thai; thai chết lưu và gây hội chứng Rubella bẩm sinh trẻ em, khó nuôi, khó lên cân, dị tật ở tim, đục thủy tinh thể nguy cơ bị mù, điếc bẩm sinh, chậm phát triển...

 

Từ năm 1985, Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi cả nước để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em. Bên cạnh các bệnh được Nhà nước cam kết loại trừ với cộng đồng quốc tế như: bại liệt (được loại trừ từ năm 2000), bệnh uốn ván sơ sinh (loại trừ từ năm 2005), các bệnh khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng được khống chế hiệu quả. Tuy nhiên, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2010, trên thế giới có khoảng 139.000 ca tử vong do bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc-xin. Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi không có miễn dịch từ mẹ truyền sang và chưa đến tuổi được tiêm vắc-xin; người đã tiêm vắc-xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; những người chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc-xin sởi trước đây đều được xếp vào nhóm có nguy cơ mắc sởi.

Bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut rubella gây ra. Phần lớn bệnh thường ở mức độ nhẹ, thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh rubella gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm virut trong thời kỳ mang thai. Cũng như sởi, virut rubella có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn cho những cộng đồng không có miễn dịch với virut rubella. Trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng không tốt sức khỏe cả cộng đồng, nguy hiểm đến tính mạng của con em chúng ta.

Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, tiêm vắc-xin sởi - rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi, rubella. Theo ghi nhận của ngành y tế, trong 9 tháng đầu năm 2014, trên 20 tỉnh thành khu vực phía Nam đã ghi nhận các trường hợp sốt phát ban nghi sởi chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi thứ nhất đạt trên 80% nên sử dụng vắc-xin phối hợp gồm sởi và rubella trong tiêm chủng thường xuyên để đồng thời khống chế rubella - sởi, tăng cường hiệu quả công tác tiêm chủng.

Tại Tây Ninh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã làm tốt công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo tiêm chủng an toàn chất lượng. Các khâu điều tra được chuẩn bị tốt nhằm hạn chế tối đa việc bỏ sót đối tượng được tiêm chủng, công tác khám sàng lọc, chuẩn bị số lượng vắc xin và quy trình kỹ thuật tiêm chủng được tập huấn để bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ em.

Để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đưa con em mình tiêm vắc-xin đầy đủ, để con em mình được phòng bệnh một cách tốt nhất, các em học sinh cần tích cực vận động bạn bè mình cùng tham gia tiêm chủng vắc-xin để không bị mắc bệnh. Các bậc cha mẹ khi đưa con em mình đi tiêm chủng nên thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe con em mình cũng như cần thông báo các biến chứng sau tiêm chủng nếu có. Cần đối chiếu từng điểm được nêu trong các quy định về tiêm chủng với quá trình cán bộ y tế tiêm chủng cho con em mình khi thấy cán bộ y tế thực hiện đúng và đủ các yêu cầu quy định về tiêm chủng. Sự tham gia của gia đình trong công tác tiêm chủng nhằm giúp tăng tỷ lệ bao phủ của tiêm chủng là yếu tố quan trọng quyết định phòng bệnh cho con em mình và cho cả cộng đồng.

Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 và khống chế bệnh viêm gan B. Để giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Chính vậy, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi và rubella cho trẻ em từ 01 đến 14 tuổi sẽ khống chế gánh nặng nhiễm rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong tương lai, góp phần cắt đứt sự lây truyền, giảm mắc và tiến tới loại trừ hai bệnh này trong cộng đồng.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây