Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh gia súc, gia cầm khác

Thứ hai - 11/03/2019 08:00 311 0
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 01 năm 2019 trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện từ ngày 01/3/2019 đến ngày 01/4/2019, cụ thể như sau:

Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: tự tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần; Vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi.

khutrung.jpg

Phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi (Ảnh minh hoạ)

Đối với chăn nuôi hộ gia đình: Nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.

Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm: Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu huỷ. Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở...

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: tự tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cụ thể như sau: Nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ: Sau khi động vật được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng. Nơi giết mổ vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất. Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh. Vệ sinh tiêu độc khử trùng, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào cơ sở giết mổ.

Tại các điểm trung chuyển, thu gom gia súc, gia cầm: Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng, khơi thông cống rãnh; định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực; sau mỗi đợt xuất nhập vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm; vệ sinh tiêu độc khử trùng, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào các điểm trung chuyển, thu gom gia súc, gia cầm.

Chợ, điểm buôn bán gia súc, gia cầm: Các hộ kinh doanh tự thực hiện vệ sinh các quầy bán thịt; quét dọn sạch sẽ khu vực buôn bán của mình.

Ban quản lý chợ tổ chức phun thuốc sát trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm cuối mỗi buổi chợ. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng tổ chức quét dọn, vệ sinh sạch sẽ. Việc phun khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch, …

UBND các huyện, thành phố Tây Ninh: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán, khu vực tập kết, thu gom gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở ấp trứng tự vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ.

UBND các huyện biên giới chỉ đạo UBND các xã khu vực biên giới thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại đường mòn, lối mở có vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc sát trùng, vật tư, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện công tác tiêu độc khử trùng trên địa bàn tỉnh.

Diệp Thật

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây