Tình hình thực hiện Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 26/10/2017 15:00 173 0
Theo đánh giá của Ban Kinh tế-Ngân sách tỉnh, nhìn chung, thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về đất đai, sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ.

​Trên cơ sở các quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thời gian qua, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã đã tiến hành công bố, công khai trên các phương tiện thông tin; công tác quản lý, bảo quản hồ sơ, bản đồ quy hoạch sử dụng đất cơ bản đảm bảo theo quy định; việc xây dựng, quản lý theo quy hoạch đã tạo điều kiện định hướng trong thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển đô thị và nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là cơ sở giúp cho công tác quản lý, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất đúng theo quy định; đã hạn chế tình trạng thu hồi đất không theo kế hoạch, làm giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về sử dụng đất, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương; giúp quản lý chặt chẽ việc sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; góp phần quan trọng trong bảo vệ diện tích đất trồng lúa, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng; giúp hạn chế được tình trạng quy hoạch treo, gây bức xúc trong dự luận xã hội, tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích họp pháp của người sử dụng đất.

Theo báo cáo, diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh năm 2016 có thay đổi so với kết quả thống kê đất đai của năm 2013, diện tích tự nhiên năm 2016 tăng 863,89 ha do xác định lại ranh giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT-CP trên nền bản đồ địa chính, cụ thể: đất nông nghiệp năm 2013 - 344.791,07 ha, năm 2016 - 345.791,80 ha, tăng 1.000,73 ha, tỷ lệ 100,29%; đất phi nông nghiệp năm 2013 - 58.425,48 ha, năm 2016 - 57.636,15 ha, giảm 789,33 ha, tỷ lệ 98,65%; đất chưa sử dụng năm 2013 - 44,87 ha, năm 2016 - 697,36 ha, tăng 652,49 ha, tỷ lệ 1.554,18%.

Tiến độ thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 - 2015) còn chậm, nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, cụ thể: đất nông nghiệp theo Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 là 346.378,6/332.590,0 ha, cao hơn chỉ tiêu được duyệt là 4,2%; việc chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chậm, đến năm 2015 còn khoảng 13.788,6 ha chưa chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt; đất phi nông nghiệp thực hiện đến năm 2015 đạt 80,8% so với chỉ tiêu kế hoạch được phê duyệt (57.658,7/71.359 ha); trong đó: đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp thực hiện đạt 206,1/327 ha, đạt 63,0% kế hoạch; đất quốc phòng thực hiện là 964,5/1.452 ha, chỉ đạt 66,4% chỉ tiêu kế hoạch; đất an ninh thực hiện là 566,4/897 ha, đạt 63,1% kế hoạch được duyệt; đất khu công nghiệp thực hiện là 2.670/5.825 ha . Riêng đất chưa sử dụng được khai thác tốt để phục vụ cho các mục tiêu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp

Từ năm 2013 đến tháng 7/2017, đã chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp 212,46 ha; trong đó, đất trồng lúa 54,45 ha (46,31 ha đất chuyên trồng lúa); đất trồng cây hàng năm khác 98,65 ha; đất trồng cây lâu năm 50,18 ha; đất nuôi trồng thủy sản 7,09 ha; đất nông nghiệp khác 2,09 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở: 0,14 ha.

Bên cạnh các mặt được trên, tình hình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập. Các chỉ tiêu sử dụng đất chưa đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch được phê duyệt; chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp phần lớn đạt thấp, thể hiện qua số lượng công trình, dự án và diện tích chưa thực hiện còn chiếm tỷ lệ cao; Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực hoặc một số dự án đầu tư có sự điều chỉnh cục bộ nhưng không đồng bộ và thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (không cùng giai đoạn, khác khu vực, vị trí đầu tư dự án, công trình), việc áp dụng, sử dụng bản đồ của các quy hoạch ngành không cùng hệ tọa độ,... nên đã xảy ra tình trạng chồng lấn ranh quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý; Nhận thức của nhiều đối tượng sử dụng đất còn hạn chế, một số trường họp còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, thỏa thuận phân lô bán nền,...) làm phá vỡ quy hoạch được duyệt; Nhiều công trình, dự án được phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng nhưng chậm hoặc chưa thực hiện; nhiều dự án đã đăng ký chỉ tiêu sử dụng đất từ năm 2011 nhưng không có khả năng thực hiện trong khi nhiều công trình, dự án khác có nhu cầu sử dụng đất nhưng không được bố trí chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; một số công trình, dự án phân bổ trong kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu phải chuyển tiếp trong kỳ cuối (2016- 2020),... làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất; Ngoài ra, một số vụ việc lấn chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng đất rừng sai quy định trong những giai đoạn trước chưa được xử lý dứt điểm do gặp một số khó khăn, vướng mắc (xử lý tài sản trên đất, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây