Tây Ninh siết chặt quản lý, khai thác cát xây dựng trong Hồ Dầu Tiếng

Thứ sáu - 07/09/2018 17:00 382 0
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí phản ánh nhiều thông tin có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Cụ thể là, phản ánh về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thiếu kiểm tra để doanh nghiệp hoạt động vi phạm pháp luật; trốn thuế; lập bến bãi trên đất nông nghiệp, gây mất an toàn hồ đập, hư hỏng đường giao thông và ô nhiễm nguồn nước.

Thực tế, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý nhà nước theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Luật Khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Việc quản lý và kiểm tra hoạt động khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên hàng năm và đặc biệt là từ năm 2015 trở lại đây. Tây Ninh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 357, ngày 06/11/2015 về tăng cường quản lý cát sỏi. Ngày 8/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2850/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành về khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác cát được cấp giấy phép trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện, đã thực hiện việc kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

Phải nói rằng, hoạt động thanh, kiểm tra việc khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh, thể hiện qua việc ban hành một loạt văn bản, như Quyết định 894/QĐ-UBND, ngày 20/4/2017, về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với các đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, Quyết định 2105/QĐ-UBND, ngày 07/9/2017 thành lập Tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên giám sát việc chấp hành pháp luật nhà nước liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng; Quyết định 1418/QĐ-UBND, ngày 04/6/2018 thành lập Tổ tham mưu xử lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng. Tổ tham mưu này do Phó Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng.

Khi các cơ quan báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành kiểm tra và kịp thời phản hồi. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã trả lời báo Tây Ninh, báo Tiền Phong, kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam để dư luận hiểu rõ hơn về những vấn đề mà trước đó các cơ quan báo chí đã nêu lên.

Theo Quyết định 52/2013/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2013-2015 tầm nhìn đến năm 2020 thì trữ lượng được đánh giá trong quy hoạch là 25.901.497 m3; trữ lượng đã cấp phép trên toàn tỉnh là 10.062.780 m3, bằng 38,85% trữ lượng quy hoạch; trữ lượng đã cấp 16 giấy phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng là 8.708.338,5 m3, bằng 33,62% trữ lượng quy hoạch.

Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ; việc cấp phép các bãi tập kết cát đảm bảo quy định. Các phương tiện khai thác được đăng ký, đăng kiểm đúng theo khối lượng khai thác trong giấy phép. Hơn nữa, Tổng cục Thủy lợi đã chấp thuận chủ trương, vị trí hoạt động bến bãi trong công trình thủy lợi, cho khai thác và xây dựng đường vào bãi tập kết cát trong hồ Dầu Tiếng, để phục vụ hoạt động vận chuyển cát ra ngoài khu vực. Các vị trí được cấp phép khai thác cát tại sông nhánh, rạch phía thượng nguồn, cự ly từng mỏ, từng bến bãi cách xa nhau, không tập trung, tránh làm ảnh hưởng hồ và cảnh quan môi trường.

Từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đã 2 lần kiểm tra việc chấp hành pháp Luật Khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, các giấy phép được cấp cơ bản đầy đủ hồ sơ và căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Sau khi được cấp phép khai thác, các doanh nghiệp thực hiện các nội dung trước khi khai thác khoáng sản, như: nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa để kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới, thả phao định vụ phạm vi khu vực được phép khai thác. Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho UBND các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước và thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vụ bảo vệ công trình thủy lợi.

Như vậy, tính đến nay, tại khu vực hồ Dầu Tiếng, cơ quan chức năng đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản cát cho 16 doanh nghiệp. Trong đó, Tây Ninh cấp 16 giấy phép cho 14 doanh nghiệp. Song song đó, Tây Ninh có 19 bến thủy nội địa được cấp phép với mục đích xếp dỡ hàng, tập kết cát. Cũng cần lưu ý rằng, trong số 27.000 ha diện tích của hồ Dầu Tiếng, thì tỉnh Tây Ninh chiếm phần lớn với hơn 20.000 ha, còn lại thuộc địa bàn hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Không chỉ tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng tuần tra kiểm soát xử lý các phương tiện chở cát quá tải trọng, như lập trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đặt trên tuyến đường 781, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, xử lý nghiêm các hành vi chở cát quá tải trọng, chở cát không che chắn…

Riêng đối với các tuyến đường giao thông liên quan đến vận chuyển cát, do đã sử dụng trên 10 năm nên đã xuống cấp, tỉnh đã phân khai vốn để đầu tư nâng cấp. Tuyến đường 781 từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương dài 14,75 km, sẽ được nâng cấp mặt đường rộng 7 mét, lề sỏi đỏ 1 mét mỗi bên. Tổng mức đầu tư trên 79 tỷ đồng. Dự kiến khởi công trong tháng 9 này. Tuyến đường Đất Sét - Bến Củi, thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu dài 13,7 km cũng được nâng cấp, mở rộng. Mặt đường của tuyến này rộng trung bình 13,5 mét (cho 2 đoạn đường) và xây mới một cây cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối với tỉnh Bình Dương. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 320 tỷ đồng. Dự án này đã khởi công vào tháng 8.2018.

Dự án ĐT.781 - ĐT.785 từ bờ hồ Dầu Tiếng đến ngã tư Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) dài 12,6 km, chiều rộng mặt đường bê tông nhựa 11 mét, lề đường 0,5 mét mỗi bên, với tổng mức đầu tư 118,6 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2019.

Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phục vụ vận tải lưu thông được tốt hơn.

Về môi trường và nguồn nước. Hồ Dầu Tiếng được tích nước từ sông Sài Gòn và điều tiết từ hồ Phước Hòa. Hiện tại có 42 nguồn nước thải. Tổng lưu lượng nước thải khoảng từ 55.000 đến 60.000 m3/ngày. Trong đó, Tây Ninh có 38 nguồn nước thải. Do đó, nhằm bảo vệ nguồn nước tránh ô nhiễm, các nguồn thải được Tây Ninh cấp phép thải vào lưu vực hồ đều đã được các chủ nguồn thải xử lý đạt cột A quy chuẩn theo quy định.

Về thông tin phản ánh nước hồ có biểu hiện đục, không xanh và cho rằng có ô nhiễm từ việc khai thác cát. Thực chất, việc nước hồ có màu đục hay xanh là do nhiều yếu tố. Ngày 23/3/2018, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước làm việc xác định nguyên nhân nước hồ Dầu Tiếng bị đục, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháo quản lý nước mặt hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới. Nguyên nhân chất lượng chất lượng nước hồ Dầu Tiếng giảm được xác định là do mùa khô, mực nước thấp, chuyển nước từ hồ Phước Hòa về (mà nước lưu vực hồ Phước Hòa đã có màu đục), việc chăn thả gia súc, người dân di cư tự do từ Campuchia về sống ở thượng nguồn, hoạt động khai thát cát trái phép…Kết quả quan trắc nước mặt hồ Dầu Tiếng (tháng 1/2018 đến tháng 3/2018), phần lớn các thông số phân tích đều đạt quy chuẩn cột A2, B1; chất rắn lơ lững làm cho nước đục vượt 10% ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Hiện tại, đã vào mùa mưa, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng bình thường. Tỉnh đang đề ra biện pháp đồng bộ để bảo đảm môi trường nước, trong đó, có phương án di dời dân di cư tự do ra khỏi khu vực lòng hồ, quản lý chặt chẽ các nuồn xả thải cũng như không để tái diễn tình trạng nuôi trồng thủy sản trong hồ.

Về thông tin phản ánh thuế và các khoản thu theo quy định. Qua công tác kiểm tra, rà soát, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện đúng quy định về hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn cho tổ chức, cá nhân hoặc ghi sổ sách theo dõi khi bán lẻ cát. Các khoản tiền được tính một lần, nộp hàng năm theo thời hạn giấy phép khai thác, gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được doanh nghiệp nộp đúng, đủ bảo đảm thời gian quy định. Các khoản thuế, phí phải nộp như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường được các doanh nghiệp tự kê khai và nộp theo quy định. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện một số doanh nghiệp chưa đảm bảo việc kê khai đầy đủ bằng hóa đơn VAT trong mua bán cát và có biện pháp xử lý; đồng thời đốc thúc 3 doanh nghiệp còn nợ thuế nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu không sẽ có chế tài xử lý.

Về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Năm 2017, tỉnh đã xử lý 18 vụ vi phạm, quyết định xử phạt hành chính 15 vụ. Tổng số tiền  hơn 1,2 tỷ đồng, tịch thu 3 tàu hút cát và trên 500 m3 cát, bán đấu giá sung công quỹ nhà nước 780 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 1 tổ chức với thời gian 9 tháng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã phát hiện và xử lý 11 vụ với số tiền phạt là hơn 530 triệu đồng, tịch thu 573,88 m3 cát, quy đổi thành tiền hơn 200 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 9 tháng đối với 4 doanh nghiệp và 2 tháng đối với 1 doanh nghiệp, với các hành vi vi phạm chủ yếu là khai thác không đúng hệ thống mở vỉa, khai thác không đúng trình tự, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp giấy phép, khai thác trái phép; Thu hồi 1 giấy phép bến thủy nội địa không có giấy phép khai thác khoáng sản; trục xuất 104 tàu, trong đó có 82 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát, nhưng không nằm trong kế hoạch khai thái được cấp phép, 22 tàu dự phòng của các doanh nghiệp, ra khỏi hồ Dầu Tiếng.

Từ việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra lợi ích nhóm đã góp phần chấn chỉnh, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Tình trạng vi phạm đã giảm nhiều hơn so với trước đây.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện công tác quản lý khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đạt hiệu quả, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác cát trên địa bàn, xử lý nghiêm các sai phạm; rà soát lại công suất các tàu ghe khai thác cho phù hợp với công suất các tàu ghe đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hồ sơ thiết kế khai thác; thực hiện thỏa thuận đã được thống nhất giữa UBND tỉnh Tây Ninh và UBND tỉnh Bình Dương về công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển và tập kết cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, thống nhất xem xét rút giấy phép bến thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác khoáng sản, và chỉ cấp phép bến thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác cát thuộc địa giới hành chính của tỉnh mình quản lý; tổ chức di dời 104 tàu không có trong danh sách đăng ký được cấp giấy phép khai thác cát của các doanh nghiệp ra khỏi khu vực hồ Dầu Tiếng; gắn logo cho từng phương tiện của doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát khu vực hồ dầu tiếng, trên ghe phải có đầy đủ các loại giấy tờ cho phép hoạt động trong mỏ, có dấu xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường về thành phần hồ sơ để thuận tiện cho các cơ quan chức năng khi kiểm soát trên hồ; lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định, lắp đặt giám sát hành trình trên các tàu bơm, hút, vận chuyển cát.

Hiện UBND tỉnh đã tạm dừng việc xem xét cấp giấy phép thăm dò khoáng sản mới từ ngày 1.6.2018 để kiểm tra, chấn chỉnh.

Qua những phân tích trên cho thấy UBND tỉnh Tây Ninh không hề buông lỏng hoạt động quản lý, khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng, mà trái lại có phần siết chặt hơn để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, với chủ trương khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hồ Dầu Tiếng để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, song phải bảo đảm phát triển bền vững, nhất là cảnh quan môi trường sinh thái và an toàn tuyệt đối hồ đập; không để diện tích, tiềm năng nào trong khu vực hồ Dầu Tiếng không được quản lý./.

 

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây