Điểm sáng trong ngành giáo dục

Thứ hai - 10/08/2015 15:00 49 0
Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Chí Thanh được thành lập tháng 09 năm 1984 hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tọa lạc trên địa bàn bán nông thôn thuộc ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, là trường loại 1 với 25 lớp và 1.006 học sinh.

Tập thể sư phạm và lãnh đạo nhà trường đoàn kết nhất trí cao, giáo viên nhiệt tình, có trình độ và năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại, nề nếp kỷ cương ngày càng được củng cố đã tạo một động lực mới, một khí thế mới trong phong trào thi đua của nhà trường. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại theo quy mô trường chuẩn quốc gia, phục vụ tốt cho các hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường. Hầu hết các em học sinh ngoan, có học lực khá giỏi, tích cực và tự giác tham gia các hoạt động chung của nhà trường.  100% cán bộ giáo viên đăng ký danh hiệu thi đua, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, là tiền đề, động lực cho phong trào thi đua. Phong trào thi đua trong nhiều năm đã trở thành đòn bẩy kích thích mọi hoạt động giáo dục toàn diện đạt hiệu quả. Nhà trường luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám đốc, Công đoàn ngành giáo dục và các phòng ban của Sở Giáo dục - Đào tạo, đã tạo được uy tín đối với ngành và địa phương, đặc biệt Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) luôn quan tâm, chăm sóc và đồng hành cùng với nhà trường trong việc giáo dục con em. Địa phương luôn hỗ trợ nhà trường trong xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn như: học sinh của trường hầu hết ở nông thôn, nhiều em ở ngoài huyện khoảng cách đi lại khá xa, chất lượng học tập của học sinh chưa đồng đều ở các khối lớp, tinh thần tự học của học sinh chưa cao. Giáo viên tuy đủ theo số lượng nhưng không đảm bảo tỷ lệ theo bộ môn, nên khó khăn trong phân công, một số giáo viên trẻ, mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục, đồng thời giải quyết tốt mâu thuẫn giữa chất lượng cao mà cha mẹ HS và xã hội mong đợi, đáp ứng sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường đề ra trong những năm tới và chất lượng học tập của học sinh hiện nay là một thách thức rất lớn của thầy và trò.

Cấp ủy Chi bộ và Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp lãnh đạo công tác thi đua, chỉ đạo đổi mới phong trào thi đua và công tác khen thưởng của đơn vị, tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện đầy đủ các Quyết định, Chỉ thị, hướng dẫn của ngành về việc phát động thi đua hàng năm cho cán bộ, giáo viên đảm bảo từ hình thức đến nội dung, làm cho mọi người nhận thức đầy đủ mục đích ý nghĩa của công tác thi đua khen thưởng là nhằm động viên, khuyến khích mọi thành viên và các tổ chuyên môn của nhà trường năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của trường

Thi đua được xác định không chỉ là phong trào mà còn là một giải pháp để tăng cường công tác quản lý giáo dục, góp phần đổi mới công tác dạy và học trong nhà trường, việc thúc đẩy các phong trào thi đua nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương nhà trường, xây dựng và củng cố môi trường sư phạm lành mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục. Nhà trường đã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tập trung phát triển đa dạng hóa các hình thức tổ chức thi đua, chú trọng việc đánh giá thi đua, khen thưởng qua kết quả và hiệu quả của công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường học, nhà trường đã xây dựng và ban hành những qui định kịp thời về xét chọn các danh hiệu thi đua, mức khen thưởng các danh hiệu thi đua cho các tập thể và cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn.

Thi đua thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai; đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào kết quả thành tích thi đua, mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu vào đầu năm. Không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét. Đăng ký thi đua được tính trên từng kết quả công việc, công tác cụ thể hướng đến mục tiêu thi đua của từng cá nhân, tập thể đi kèm với đăng ký danh hiệu đề xuất khen thưởng vào cuối năm.

Công tác thi đua, khen thưởng đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong suốt năm học và có tác dụng thúc đẩy tập thể CB-GV-CNV và học sinh không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nền nếp kỷ cương, môi trường văn hóa sư phạm và đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất trong tập thể sư phạm nhà trường. Với sự nỗ lực của tập thể CB-CC, trong 5 năm qua nhà trường đã đạt được những thành tích nổi bật sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, vượt các chỉ tiêu thi đua, liên tục được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc 5 năm liền từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2013 – 2014. Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an trong năm  học 2010 – 2011. Cờ khen cho đơn vị dẫn đầu khối THPT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh năm  học 2011 – 2012. Đạt trường chuẩn quốc gia năm 2013, Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước, Giấy công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2013 – 2014. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2014 – 2015, giấy chứng nhận đơn vị an toàn về phòng cháy chữa cháy năm 2014 của Giám đốc Công an Tây Ninh. Về chi bộ đảng và các tổ chức đoàn thể: chi bộ liên tục được công nhận đạt TSVM, Công đoàn cơ sở: liên tục đạt vững mạnh xuất sắc (được LĐLĐ tỉnh trao 2 bằng khen – năm 2010, 2011, 01 cờ khen – năm 2012, CĐGD Việt Nam tặng 01 bằng khen – năm 2014 và Tổng LĐLĐVN tặng 01 bằng khen – năm 2013), Đoàn thanh niên đạt vững mạnh.

Với thành tích đạt được nêu trên, nhìn lại thực trạng CSVC, đội ngũ, chất lượng đào tạo… mới thấy sự nỗ lực vượt bậc của thầy và trò, hiệu quả của các giải pháp đã triển khai thực hiện trong chuyên môn và thi đua, tâm huyết của đội ngũ CBQL, tập thể CB-CC nhà trường, đồng thời sự đoàn kết nhất trí của cả một hệ thống chính trị, trước hết là nghị quyết của chi bộ là phải xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Chúng tôi quan niệm rằng: Nhà trường đạt được nhiều thành tích tạo được niềm tin trong các cấp lãnh đạo, trong phụ huynh, trong toàn xã hội; Trường có nhiều học sinh giỏi, nhiều học sinh đỗ vào các trường Cao đẳng , Đại học; Học sinh lên lớp bằng chất lượng thật sự  là niềm tự hào cũa mỗi thành viên trong phong trào thi đua yêu nước; Chúng tôi kêu gọi, vận động, khuyến  khích ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp trong mỗi thầy cô giáo bằng những hình thức và các giải pháp cụ thể, khả thi và được thầy, cô giáo đồng tình hưởng ứng.

Điều chúng tôi tâm đắc là Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là một phong trào mang tính toàn diện. Bởi phong trào đã đề cập đến rất nhiều vấn đề: nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, rồi xây dựng kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục truyền thống, đạo đức…Chính vì thế, làm tốt phong trào thi đua này, nhà trường sẽ có điều kiện để phát triển một cách bền vững. Phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực đã tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục. Hiệu quả đạt được lớn nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát huy tư duy, khả năng sáng tạo, tự học của mình. Thầy cô giáo  dạy học chăm chút theo từng cá thể, không dạy theo số đông hay theo từ chương như trước. Việc giáo dục đạo đức nhân cách, lối sống, truyền thống cho các em học sinh được nhân rộng. Thông qua các tiết học, bài học, khóa học lịch sử trong nhà trường, chúng tôi quan tâm bổ sung vào giáo dục truyền thống lịch sử ở địa phương cũng như bổ trợ từ các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, nêu những tấm gương điển hình… giúp các em rèn luyện đạo đức nhân cách và lối sống tốt đẹp, Học sinh thêm yêu ngôi trường mình, quê hương mình, tự tin vào chính mình để phấn đấu trở thành người hữu ích.

Báo cáo những suy nghĩ, những giải pháp đã thực hiện tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh nhằm đổi mới phong trào thi đua, nâng cao chất lượng chuyên môn để góp phần vào việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đạt chất lượng kiểm định chất lượng giáo dục, tất nhiên là để đạt kết quả này còn nhiều yếu tố khác và chúng tôi rút ra một điều rằng: Dù khó khăn đến đâu nếu quyết tâm thi đua, các nhân tố điển hình được nhân rộng thì chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

            Nguyễn Tấn Tài

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây