Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh: Xem người bệnh như người nhà

Thứ sáu - 17/07/2020 12:00 1.818 0
Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh thành lập vào tháng 5/1981. Đến tháng 12/2014, bệnh viện được xây dựng mới trên địa bàn phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh với hiện tích hơn 2 ha, đầy đủ các phòng chức năng.

Là bệnh viện hạng II (quy mô 100 giường bệnh nội trú), bệnh viện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại; nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền của các cơ sở đào tạo về y, dược cùng các đơn vị có nhu cầu.

Hiện, bệnh viện có 5 khoa chuyên môn, gồm: khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Dược, khoa Phục hồi chức năng (gồm phòng châm cứu, phòng Laser từ trường, phòng vật lý trị liệu, phòng Parafin-điều trị bằng sáp) và khoa Khám bệnh (gồm phòng khám bệnh, phòng xét nghiệm, phòng X-quang, phòng điện tim, phòng siêu âm) với hơn 100 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên làm việc.


Các bệnh nhân sử dụng phương pháp ngâm chân để trị bệnh

Thời gian qua, trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Y tế (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và các chỉ tiêu Kế hoạch của Sở Y tế giao, Bệnh viện đã chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng năm, từng giai đoạn. Hàng năm, Bệnh viện xây dựng kế hoạch, triển khai các tiêu chuẩn, chỉ tiêu thi đua và phát động phong trào thi đua trong toàn Bệnh viện. Bệnh viện còn xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Bệnh viện giai đoạn 2015- 2020 triển khai đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự nghiệp của ngành Y tế nói riêng. Xem đây là động lực quan trọng góp phần động viên cán bộ, viên chức và người lao động trong Bệnh viện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.

Nổi bật là phong trào thi đua yêu nước “Làm theo lời Bác, cán bộ Y tế đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ y tế”; “Nâng cao Y đức, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử” giúp cho cán bộ, viên chức Bệnh viện nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện tu dưỡng y đức, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế “Thầy thuốc như mẹ hiền” tạo chuyển biến từ nhận thức thành hành động cụ thể trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp. Xuất phát từ phong trào thi đua, các tập thể, cá nhân không ngừng phát huy sáng kiến áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Hàng năm, bệnh viện đều có triển khai dịch vụ kỹ thuật mới đi tiên phong trong tỉnh như: đo điện tim bằng hệ thống MUSE; đo điện cơ; đo mật độ xương; điều trị bằng Parafin; điều trị máy từ rung nhiệt; điều trị bằng đèn tần phổ; ngâm chân thuốc đông y để điều trị; đồng thời, xây dựng bài thuốc đông y chuyên dùng trong bệnh viện (như Bát trân thang gia giảm nhằm điều trị di chứng tai biến mạch máu não thể khí huyết can thận hư; Sài hồ sơ can thang gia giảm trong điều trị xơ gan thể can uất tỳ hư).


Bệnh nhân luôn nhận được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ

Nhận thấy việc điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền là xu hướng của xã hội. Bệnh viện đã thực hiện phương thuốc thảo dược thiên nhiên, kết hợp với những biện pháp điều trị không dùng thuốc giúp bệnh nhân cải thiện những di chứng, giảm đau nhức. Hiệu quả của phương pháp điều trị đã tạo uy tín, thương hiệu ch bệnh viện, thu hút sự quan tâm của bệnh nhân, đến điều trị ngày càng nhiểu, vượt xa số giường bệnh quy định. Có lúc, bệnh viện phải kê 160 giường mới đủ.

Tại phòng châm cứu, bà Phạm Thị Sáng (sinh năm 1947) ngụ phường Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh) cho biết, sau 2 tuần điều trị, các cơn đau, tê tay, chân do thoái hóa đốt sống cổ, đau lưng của bà đã thuyên giảm khá nhiều. Đặc biệt, trước đây, vai của bà Sáng đau đến nỗi không nằm được nhưng giờ đã có thể ngã lưng xuống giường. Trong suốt thời gian ở lại nội trú điều trị tại bệnh viện, bà Sáng luôn cảm thấy an tâm, thoải mái vì các y bác sĩ rất tận tình chăm sóc. Cơ sở vật chất của bệnh viện cũng rất sạch sẽ, khang trang. Bà bảo, ở đây không những thoải mái mà còn có cơm từ thiện mang đến cho từng giường, người bệnh không phải lo cái ăn hai bữa, rất đáng quý.

Riêng với bệnh nhân Phan Văn Cơ (sinh năm 1956) ngụ xã Trường Đông (thị xã Hòa Thành) được liệt kê vào diện bệnh nặng. Cho đến hiện tại, ông Cơ đã bị tai biến lần thứ 3 và điều trị tại bệnh viện được 8 đợt. Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ ông Cơ chia sẻ: “Hai vợ chồng ở viện còn nhiều hơn ở nhà”. Kể từ khi chồng bệnh, bà Thanh luôn túc trực chặm sóc. Nhờ kiên trì điều trị ở bệnh viện, hiện bệnh ông Cơ đã thuyên giảm phần nào, ông đã nói chuyện được dù câu chữ rời rạt. Ông đã có thể ngồi khi được người khác đỡ và chân tay cử động được.

Y sĩ Hồ Thanh Sử công tác tại Khoa Phục hồi chức năng cho biết, đối với những trường hợp bệnh nhân cần được thường xuyên vận động, bác sĩ lại không thể kề cận suốt ngày, người nhà luôn được hướng dẫn thật cặn kẽ cách thức xoa bóp, massage cho bệnh nhân để có thể thực hiện thuần thục, để cùng tập cho bệnh nhân nhằm rút ngắn thời gian phục hồi.

Nói về những kế hoạch phát triển, bác sỹ CK II Võ Thành Long - Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền cho biết, bệnh viện đang xây dựng kế hoạch dài hơi và triển khai từng bước. Như trong năm nay, bệnh viện đưa điều trị bệnh bằng phương pháp ngâm chân bằng thuốc để điều trị các bệnh khớp, bệnh giãn tĩnh mạch…Tới đây, bệnh viện sẽ triển khai những phòng massage, xông thuốc. Trong tương lai, bệnh viện đang xin Sở Y tế để điều trị bằng oxy cao áp và Sở Y tế cũng đã đồng ý về chủ trương này.

Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên bệnh viện, từ 2015-2020, bệnh viện đã 3 lần được UBND tỉnh trao tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua của ngành y tế. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc bệnh viện được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, danh hiệu chiến sĩ thi đua. Dù môi trường làm việc có nhiều áp lực nhưng các “chiến sĩ áo trắng” ấy vẫn luôn nỗ lực từng ngày vượt qua khó khăn, tìm niềm vui trong công việc, xem người bệnh như người nhà, chăm sóc bệnh nhân ân cần, chu đáo. Tất cả vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân để mỗi người dân luôn khỏe mạnh cùng thi đua học tập, lao động, sản xuất đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Thư Trâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây