Cách đây 67 năm, ngày 11/6/1948, Bác Hồ kính yêu đã ra "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc" nhằm động viên nhân dân ta "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" và thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi, hiệu triệu của Hồ Chủ tịch đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào hành động cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta.
Bác mong muốn toàn thể đồng bào, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, đều phải tích cực thi đua yêu nước: "bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua. Làm cho mau – Làm cho tốt – Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị , văn hoá".
Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, làm cho "Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc". Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể, thiết thực; nhiều cá nhân điển hình trong mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi, từ các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng; từ công, nông, binh đến nhân viên chính phủ đã xuất hiện. Phong trào thi đua ái quốc đã dần thấm sâu vào từng tế bào của xã hội, từng con người cụ thể, nó không chỉ dừng lại ở một cuộc phát động đơn thuần, mà nó có sức sống và sức mạnh lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội. Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những yêu nước nhất". Quan điểm ấy chính là động lực tinh thần to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Quan điểm thi đua là yêu nước của Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động, sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ thể hiện qua những lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, mà nó còn được thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của Người đến phong trào thi đua yêu nước với mong muốn phong trào phải đi sâu vào thực tiễn của đời sống và biến nó thành những hành động cụ thể.
Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào, Người nhấn mạnh: "Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ Chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước. Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải làm sao cho mỗi người, mỗi nhóm, mọi người tự giác, tự động". Đồng thời Người cũng chỉ ra rằng: "Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp sát với thực tiễn của phong trào". Người nhấn mạnh: "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi" .
Người khẳng định "Thi đua là cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua. Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian, không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy trong thi đua chúng ta phải đồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê bình những khuyết điểm trong công tác thi đua như "Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Tưởng lầm là thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương…"
Tóm lại, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là "toàn dân, toàn diện" với cách làm là "dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân" để gây hạnh phúc cho dân. Và thi đua cải tạo con người.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mãnh liệt. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Công tác khen thưởng cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật, đã động viên, tôn vinh kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm hơn.
67 năm đã đi qua, lời chỉ bảo của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua" vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, thi đua yêu nước cũng hết sức cần thiết. Bởi hơn 60 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, đời sống xã hội không ngừng phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực, ăn sâu, lan rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Thái Thành